Việt Nam là thị trường quan trọng của Hàn Quốc, Nhật Bản trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

17:01 31/12/2021

Sau một thời gian tiếp cận thị trường, nhiều loại nông sản, thực phẩm của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đang mở rộng tiêu thụ, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá

Sau thời gian bị gián đoạn do dịch Covid-19, mới đây, tỉnh Uiseong – Hàn Quốc đã tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu các sản phẩm nông sản chế biến của Hàn Quốc đến người tiêu dùng TPHCM. Trước đó, từ năm 2019, nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm cũng đã được đơn vị này tổ chức và đã đạt được những thành công nhất định. Đại diện tỉnh Uiseong cho biết, hoạt động này là một phần trong dự án hỗ trợ dành cho các DN xuất khẩu nông sản Hàn Quốc vượt qua đại dịch Covid-19 và phát triển các kênh xuất khẩu tại thị trường Việt Nam.

Thời gian tới, các DN của tỉnh Uiseong mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Việt Nam các sản phẩm chất lượng như tỏi đen, hồng sâm, nhân sâm và một số loại nước uống trái cây lên men với nồng độ cồn thấp… Theo đại diện K.food – thương hiệu dùng để quảng bá thực phẩm của tỉnh Uiseong, trước đây, chủ yếu việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm nhắm tới các khách hàng là DN, nhà phân phối, nhưng nay sẽ tăng cường tiếp cận các khách hàng lẻ. 

Ảnh minh họa
Quầy nông sản nước ngoài tại Việt Nam (ảnh: internet). 

Theo đó, tại cửa hàng giới thiệu các sản phẩm của tỉnh Uiseong mang thương hiệu K.food những ngày qua đã tổ chức cho khách hàng dùng thử nhiều sản phẩm cao cấp như tinh chất nhân sâm và nhung hươu Hàn Quốc.

Tương tự, Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM cũng đang tổ chức một triển lãm trưng bày dài hạn các sản phẩm thực phẩm của nước này mang tên “Tasty in all of Japan” để giới thiệu tới các khách hàng, DN Việt Nam. Triển lãm tập hợp nhiều loại thực phẩm ở khắp các vùng từ Hokkaido ở phía Bắc đến Kyushu và Okinawa ở phía Nam. Trong đó, khoảng 70% sản phẩm là hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam.

Theo các đơn vị giới thiệu sản phẩm, các mặt hàng nông sản, thực phẩm đều được chế biến với công nghệ hiện đại nên vẫn giữ được hương vị tự nhiên và tốt cho sức khỏe. Hạn sử dụng của sản phẩm cũng khá dài, từ 6 tháng trở lên nên rất thuận tiện cho việc phân phối và tiêu thụ.

Thị trường quan trọng của nông sản ngoại

Trong một khảo sát các DN tại Nhật Bản mới đây của Jetro về việc phát triển kinh doanh ở nước ngoài cho thấy có hơn 40% DN Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam. Việt Nam vượt qua nhiều nước, trở thành điểm đến ưa thích thứ hai của DN Nhật, chỉ sau Trung Quốc. Văn phòng Jetro tại TPHCM cũng thường xuyên nhận được các câu hỏi, tư vấn cho các DN Nhật Bản về việc đưa hàng hóa vào Việt Nam tiêu thụ.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Jetro tại TPHCM cho biết, từ chỗ là điểm đến của hoạt động sản xuất, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ quan trọng của DN Nhật. Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam đứng thứ 6 trong top 10 thị trường nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Nhật Bản thì đến năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ 5 và là thị trường có mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này cao nhất, đạt hơn 17%.

Theo đại diện tỉnh Uiseong, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nói riêng và của Hàn Quốc nói chung xuất khẩu sang Việt Nam chưa nhiều nhưng có lợi thế là những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe và dễ sử dụng, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, kể cả giới trẻ. Ngoài ra, hàng trăm ngàn người Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng là cầu nối giới thiệu những đặc sản quê hương đến bạn bè người Việt, giúp mở rộng thị trường cho các mặt hàng này.

Ông Hairim Yoo, Giám đốc Công ty Seoho - đơn vị đại diện cho dự án phân phối sản phẩm của Uiseong tại Việt Nam trong những năm qua cũng cho biết, so với các thị trường khác mà Uiseong đang xuất khẩu thì thị trường Việt Nam có sức mua thấp. Song DN này vẫn tự tin rằng thị trường Việt Nam sẽ còn phát triển trong tương lai và công ty đang tập trung nhiều hơn vào việc quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, sức mua của người Việt cũng ngày càng được cải thiện. Dâu tây Hàn Quốc và nho mẫu đơn là hai trong những ví dụ điển hình nhất. Trong đó, nho mẫu đơn có giá lên tới hàng triệu đồng mỗi chùm nhưng vẫn được tiêu thụ tốt.

Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Jetro tại TPHCM, nhiều mặt hàng như kem, gia vị rắc cơm, đậu natto, giấm táo, rong biển, nấm, thực phẩm khô đóng gói… của Nhật được người tiêu dùng ở các thành phố tại Việt Nam ưa chuộng, doanh thu bán hàng tăng cao trong thời gian qua.

“Dù không phải mặt hàng thiết yếu, nhưng vẫn được tiêu thụ tốt trong mùa dịch vừa qua cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng hàng Nhật”, ông Hirai Shinji cho biết.

Có thể thấy, dù có mức giá cao hơn mặt bằng chung so với các sản phẩm cùng chủng loại khác tại thị trường Việt Nam, nhưng hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có sức hút riêng, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Bên cạnh đó, nhiều DN, tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản, Hàn Quốc như Lotte, Aeon, Daiso… cũng tăng cường mở các siêu thị, cửa hàng tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Những ngày qua, hàng nghìn xe nông sản của Việt Nam bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khi Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh phòng chống dịch Covid-19. Tình trạng nông sản, trái cây sau khi thu hoạch được chở thẳng lên cửa khẩu là vấn đề đã được nhắc đến suốt nhiều năm, nhưng vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Việc xuất khẩu vào các thị trường khó tính cũng gặp phải thách thức về vấn đều tiêu chuẩn kỹ thuật, khiến lượng hàng xuất khẩu dù có tăng nhưng vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng thu hoạch. Trong khi đó ở thị trường trong nước, nhiều loại thực phẩm chất lượng cao của các nước đã tạo được chỗ đứng nhất định và đang tăng cường các hoạt động tiếp thị để gia tăng tiêu thụ. Vấn đề đặt ra đáng suy ngẫm về công nghiệp chế biến, tiêu chuẩn chất lượng...

PV (t/h).