Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu trà sang Đài Loan, hướng tới thị trường cao cấp

10:05 20/09/2021

Chiếm hơn một nửa tổng lượng trà Đài Loan xuất khẩu, trà Việt đang dẫn đầu thị trường này.

Thống kê của Cơ quan quản lý ngoại thương Đài Loan (BOFT) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, Đài Loan đã nhập trên 22.170 tấn trà (chè) từ 32 đối tác trên toàn thế giới. Trong đó, 53,29% là trà Việt Nam. Về giá trị xuất khẩu, trà Việt sang Đài Loan đạt 18,55 triệu USD, chiếm 30,59% tổng kim ngạch trà nước này nhập khẩu.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, trà Việt xuất sang Đài Loan tăng 9,73% về lượng và 9% về giá trị. Với tỷ trọng xuất khẩu lớn, Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trong top 37 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này sang Đài Loan.

Xếp hạng sau Việt Nam lần lượt là Srilanka, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản.

Theo Hiệp hội chế biến trà Đài Loan, 56% trà nhập từ Việt Nam là các loại hồng trà; 33% là trà ô long và trà bao chủng, còn lại là trà xanh. Đa phần trà Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan nhắm vào phân khúc dùng cho thực phẩm (trà sữa, bánh) hoặc cần gia công thêm trước khi đóng gói trở thành thức uống cho người tiêu dùng Đài Loan.

Trong bối cảnh xuất khẩu chè đang gặp khó, các doanh nghiệp xuất khẩu chè trong tỉnh buộc phải có những bước đi trong việc tái cơ cấu hoạt động sản xuất  lẫn chiến lược kinh doanh.  
Công ty Cổ phần Long Đỉnh là một ví dụ, hiện doanh nghiệp đã có 50 ha chè chất lượng cao được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tất cả diện tích này được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn do phía đối tác nhập khẩu trực tiếp là Đài Loan đưa ra. Bà Trần Phương Uyên - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Long Đỉnh cho hay: Hiện nay, hơn 90% sản phẩm của Công ty đều được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với sản lượng 80 tấn trà thành phẩm/năm.   
Chế biến chè tại Công ty Cổ phần Long Đỉnh
Chế biến chè tại Công ty Cổ phần Long Đỉnh.

Theo bà Uyên, đối với thị trường Đài Loan, Công ty đang xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô với giá thành không cao. Trong khi đó, thị trường này lại đòi hỏi rất nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào với nông dân liên kết sản xuất cũng rất khó, nhiều lô hàng của Công ty bị trả lại, do vậy việc xuất khẩu vào thị trường này không hề dễ dàng.  

Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu của Công ty. Từ tháng 3 đến nay, sản lượng xuất khẩu chè thô của Công ty đã giảm 30% so với trước đây. Nhưng đáng lo hơn là diện tích và sản lượng chè trên địa bàn liên tục giảm, cũng như chủng loại, chất lượng, giá trị sản phẩm chè của địa phương còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.  
Chính vì vậy, Công ty Long Đỉnh đã phải đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường, hướng vào sản phẩm cao cấp thông qua việc sản xuất chè Organic để tiêu thụ trong nước với thương hiệu là Trà Oolong Long Đỉnh. Nhờ đó, sản phẩm của Công ty đã dần có chỗ đứng trên thị trường nội địa. 
Quan trọng hơn, doanh nghiệp đã bắt kịp thị hiếu tiêu dùng thế giới. Về thị hiếu, những năm qua thị trường chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về thói quen thưởng trà của người tiêu dùng. Trước đây người tiêu dùng thích uống trà truyền thống trong bữa sáng, là chè đen hoặc trà xanh thô. Nhưng hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các loại trà đặc sản, trà có hàm lượng chế biến cao, phối trộn với nhiều loại đồ uống bổ dưỡng khác. 
Trong đó, có 2 phân khúc đang phát triển rất mạnh, đó là trà thảo mộc và trà chế biến thủ công (theo cách truyền thống, từ bàn tay của những nghệ nhân). Đây là những chủng loại mà các doanh nghiệp chè cần chú trọng đầu tư trong thời gian tới để gia tăng giá bán và kim ngạch xuất khẩu.
An Ka