Vì sao xuất siêu 3,6 tỷ USD không hẳn là tín hiệu khả quan?

09:22 07/02/2023

Tháng 1/2023, cán cân thương mại đạt thặng dư lên tới 3,6 tỷ USD. Tín hiệu vui nhưng khi phân tích con số này cũng cho thấy, nhiều dấu hiệu cảnh báo đáng lưu ý cho cả cơ quan điều hành, cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Trong nhiều hội nghị tổng kết ngành cuối năm 2022, một trong những khó khăn được các doanh nghiệp đưa ra là thị trường thu hẹp, khó khăn tìm kiếm đơn hàng mới trong năm 2023. Thực tế khó khăn này đã được phản ánh trong số liệu thống kê về kim ngạch xuất nhập khẩu ngay trong tháng 1/2023. 

 Xuất khẩu sụt giảm trong tháng đầu năm 2023. (Nguồn: HSBC).

Bình luận về chỉ số này, các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định, dữ liệu thương mại tháng 1 yếu đi đáng kể do các nhà máy đóng cửa nghỉ lễ 7 ngày. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tết suy yếu, giảm khi so sánh với tháng trước và cả với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, PMI đạt 47,4  điểm càng minh chứng rõ nét cho xu hướng suy yếu kéo dài trong lĩnh vực sản xuất. Mặc dù, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu có sự cải thiện khi tâm lý toàn cầu cải thiện đôi chút.

HSBC cho hay, xuất khẩu đã giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính là do hàng điện tử, dệt may và giày dép, máy móc và thiết bị xuất đi sụt giảm.

Mặc dù vậy, Việt Nam đã ghi nhận mức thặng dư thương mại khá lớn là 3,6 tỷ USD trong tháng 1 nguyên nhân là do nhập khẩu giảm tới 28,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Điều này không mấy lạc quan trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, kim ngạch nhập khẩu sụt giảm chủ yếu là linh kiện điện tử, đây là nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong n ước, với đầu tàu là các FDI lớn.

"Gần một nửa mức giảm trong kim ngạch nhập khẩu đến từ các sản phẩm điện tử, báo hiệu sản xuất các sản phẩm công nghệ sẽ còn tiếp tục sụt giảm, xét bối cảnh triển vọng nhu cầu ngành công nghiệp điện tử toàn cầu vẫn còn yếu ít nhất là trong suốt nửa đầu năm 2023", HSBC dự báo.

Lo ngại về bức tranh xuất khẩu ảm đạm trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu còn bộc phát nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay vào đầu năm 2023 và trong cả thời gian tới.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà chúng ta có thế mạnh giảm sút rõ rệt.

Nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… Thị trường Trung Quốc dù mới chấm dứt chính sách Zero-COVID nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố phức tạp và tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng còn diễn biến khó lường.

Đồng thời, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Xuất siêu đạt con số cao vì kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh, báo hiệu doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.
Xuất siêu đạt con số cao vì kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh, báo hiệu doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.

Trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như dệt may, da giày,…

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Thị trường co hẹp, chi phí lên cao thì vấn đề đặt ra là tốc độ thực hiện các giải pháp chiến lược sẽ được thực hiện thế nào. Trong bối cảnh này, chúng tôi đề nghị các đơn vị thành viên kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới; thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị công ty; kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định.

Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Để vượt qua được khó khăn, tận dụng thời cơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc bộ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tổ chức nghiên cứu chiến lược, chương trình hành động phù hợp, giữ vững thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, các Thương vụ tiếp tục làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Việt Nam và các châu lục, quốc gia, doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp trong nước điều chỉnh, xác định đúng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp nhu cầu của thị trường; chú ý kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực cung ứng vật tư nguyên nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm có sẵn và phát triển sản phẩm mới theo nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.

“Bằng mọi cách duy trì phát triển các thị trường truyền thống, mặt hàng truyền thống. Đồng thời nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới (như các thị trường Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Mỹ La tinh) để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới”, ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB:

Chỉ số Quản trị mua hàng PMI của Việt Nam ở mức dưới 50 điểm liên tục trong nhiều tháng cho thấy sự bất cập trong cơ cấu sản xuất. Ở những quốc gia có nền sản xuất công nghiệp lớn như Ấn Độ, khi nhu cầu trên thế giới giảm tốc họ vẫn có thể duy trì PMI trên 50 điểm nhờ sự liên kết giữa tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Ngay cả với Thái Lan, Indonesia và Phillippines, sau giai đoạn xuất khẩu lao dốc do suy giảm kinh tế, chỉ số PMI cuối năm 2022 của họ cũng ở mức trên 50 điểm. Nhưng với Việt Nam, sự thiếu liên kết giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu được bộc lộ rất rõ khi mà tổng cầu tiêu dùng nội địa tăng lên nhưng PMI vẫn lao dốc. Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI lập tức đi xuống.

Thanh Hà t/h