Vì sao "gói" miễn, giảm thuế 21.300 tỷ cho doanh nghiệp, người dân đến muộn?

10:12 04/10/2021

"Bộ Tài chính đã rất chủ động, đang trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn Nghị quyết này và đang xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để khi Nghị quyết ra đời có thể sớm đưa vào thực tế"...

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đến nay dù đã quá hạn vẫn chưa được ban hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. (Ảnh: Quốc hội)

Trước đó, hôm 16/9, tiếp tục phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo dự kiến, Nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 sẽ đước ký ban hành trước ngày 1/10/2021. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn, Nghị quyết vẫn chưa được ban hành.

Liên quan đến vấn đề này, cũng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài Chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại tờ trình 289 vào ngày 13/8/2021. Báo cáo số 320 cập nhật theo yêu cầu ngày 4/9/2021 để xem xét thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

"Nghị quyết đang được xem xét ban hành theo quy trình của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Bộ Tài chính được biết, Nghị quyết sẽ được sớm ban hành trong thời gian sớm nhất" - ông Nguyễn Đức Chi thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng cả ở hai kênh hỗ trợ lãi suất của hệ thống ngân hàng và kênh hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài khóa

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng cả ở hai kênh hỗ trợ lãi suất của hệ thống ngân hàng và kênh hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài khóa. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, cho biết Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng; tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.

Về nội dung giảm mức thuế giá trị gia tăng (GTGT), Chính phủ đề xuất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế như sau: Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế, bao gồm vận tải (vận tải hàng không, vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Quốc hội)

Về mức giảm, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên.

Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng vì Covid-19, do thực tế có vùng, lĩnh vực không chịu tác động bởi dịch mà lại được hưởng lợi.

Ông dẫn chứng, sản xuất khẩu trang, thiết bị vật tư y tế hay kinh doanh trực tuyến... tăng vài chục phần trăm doanh thu, lời... nhờ cơ hội từ dịch. "Ngành thuế nên bóc tách dữ liệu để "lọc" ra doanh nghiệp nào thực sự cần hỗ trợ, tránh chuyện nguồn lực có hạn, đối tượng cần được hưởng thì không được, mà đối tượng không đáng thì lại được hưởng chính sách", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về đề xuất miễn tiền chậm nộp, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: "Miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp”.

Về vấn đề giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin cho biết dự thảo Nghị quyết được điều chỉnh đề xuất cụ thể như sau: Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Chính phủ cho biết, tính chung việc thực hiện 4 giải pháp như nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng (tăng 1.300 tỷ đồng so với nội dung đã đề xuất tại tờ trình số 289/TTr-CP).

Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140.000 tỷ đồng, trong đó: Gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng; gói miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 21.300 tỷ đồng.

Sau khi thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đề xuất về 4 nhóm chính sách như Chính phủ đề xuất. Song, Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận để rà soát, hoàn thiện, bao gồm cả đề xuất hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Được biết, Dự thảo nghị quyết sẽ được gửi lại để từng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Trần Linh