Du lịch cộng đồng bản Bút, huyện Quan Hoá đang thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh |
Thành quả trong công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi xứ Thanh
Ngay sau khi Trung ương phê duyệt các Chương trình MTQG và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; phân công đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Từ đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác giảm nghèo vào nghị quyết đại hội Đảng các cấp; ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện công tác giảm nghèo; tập trung vận động, hướng dẫn các hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất… Qua đó, nhiều đảng viên đã trở thành những tấm gương sáng trong công tác giảm nghèo, có sức lan tỏa trong nhân dân.
Một số địa phương có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Huyện ủy Quan Hóa đã ban hành Quy định “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bài trừ tư tưởng, tập quán lạc hậu trên địa bàn”, trong đó yêu cầu cán bộ, đảng viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phải tự giác báo cáo đầy đủ, trung thực nguyên nhân nghèo và kế hoạch thoát nghèo của gia đình mình với chi bộ và Ban công tác Mặt trận nơi cư trú; tích cực động viên gia đình phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Đối với cán bộ, đảng viên thuộc hộ có mức sống khá trở lên thì tự giác đăng ký, cam kết nhận hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ có thu nhập thấp hơn.
Huyện ủy Như Thanh ban hành nghị quyết chuyên đề về xóa đói, giảm nghèo bền vững nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân trong hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo; kiên trì thực hiện mục tiêu mỗi cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội mỗi năm đăng ký giúp đỡ, hỗ trợ ít nhất 01 hộ có điều kiện thoát nghèo; đồng thời, lấy kết quả xóa đói, giảm nghèo làm tiêu chí xếp loại tổ chức cơ sở đảng và xếp loại cán bộ, đảng viên.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Bá Thước nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo bệ đỡ quan trọng giúp hộ nghèo vươn lên. Cấp ủy, chính quyền huyện Bá Thước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách. Qua đó, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của các đối tượng yếu thế, người nghèo, đồng bào DTTS; thúc đẩy KTXH của huyện ngày càng phát triển. Mục tiêu giảm nghèo được đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển KTXH của địa phương và lồng ghép với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chia sẻ thêm về vai trò, sự chỉ đạo của Đảng trong công tác xóa đói giảm nghèo, đại diện lãnh đạo huyện Bá Thước cho rằng: “Đảng đóng vai trò nòng cốt trong công tác chỉ đạo thực hiện xóa đói giảm nghèo. Đảng đưa ra chủ trương, ban hành văn bản, chỉ thị, nghị quyết để truyền tải xuống Đảng bộ, Chi bộ. Thông qua công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên và người dân thấy được ý nghĩa thiết thực, hiệu quả thì sẽ làm theo”.
Nghề nuôi cá lồng của huyện Bá Thước giúp người dân thoát nghèo |
Nhờ cách làm thiết thực, hiệu quả với tinh thần “Giảm nghèo bằng trí tuệ, trách nhiệm, bổn phận và cả trái tim”, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng.
Lan tỏa tính tiền phong, gương mẫu của tổ chức Đảng, đảng viên trong công tác giảm nghèo
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”; Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” và các văn bản có liên quan. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo bền vững; phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng đối với công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; động viên, khích lệ, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Tín dụng chính sách xã hội là bệ đỡ cho người nghèo phát triển kinh tế |
Thứ ba, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; từng bước thay đổi tập quán canh tác, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ tư, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG các cấp; tăng cường quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch giảm nghèo; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, hiệu quả phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tháng hành động vì người nghèo”,… góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.