Vắc-xin sẽ quyết định hiệu quả ngành Ngân hàng trong năm 2021

23:09 25/02/2021

Nguồn gốc của các khoản nợ tiềm ẩn liên quan đén vấn đề sản xuất kinh doanh nên sẽ dễ dàng phục hồi. Năm 2020, dù phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ Đại dịch Covid-19, nhưng nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cả năm.

Kinh tế đang dần phục hồi

Năm 2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 lại tiếp tục căng thẳng ở các tỉnh Bắc Trung bộ. Tuy nhiên trong mắt giới chuyên môn vẫn còn nhiều lý do để lạc quan về tương lai ngành Ngân hàng năm 2021.

Năm 2020, Việt Nam dù ở nhóm nước ít ỏi có GDP tăng trưởng dương, song mức tăng tương đối thấp. Dựa trên nền thấp này, số liệu sẽ dễ được đẩy lên cao.

Các nước ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn trong chống dịch. Vắc-xin phòng bệnh cũng sắp được đưa vào sản xuất. Thực tế, thời gian qua, dù dịch bệnh chưa được khống chế, nhưng kinh tế thế giới vẫn đang dần phục hồi.

Kinh tế thế giới đang hồi phục theo hình chữ U, nhưng với Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế đang hồi phục theo mô hình chữ V.

Bức tranh ngân hàng 2021: Gam màu tươi sáng hơn

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng ở vào mức khoảng 3% (so với mức 1,89% cuối năm 2019) và nợ xấu gộp khoảng 5% cuối năm 2020 (so với mức 4,65% cuối năm 2019). Dự báo năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5% - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5,5 – 6% đến cuối năm 2021.

Dự báo lợi nhuận ngân hàng 2021 mới bắt đầu “ngấm” chi phí dự phòng. Cụ thể, dự thảo sửa đổi Thông tư 01 mới sẽ khiến nợ xấu dần “trồi lên” và gây ra lo ngại về chu kỳ chi phí tín dụng cao. Điều này sẽ tạo ra sự phân hóa lớn trong lợi nhuận ngân hàng năm 2021, VDSC nhìn nhận. 

Tương lai ngành Ngân hàng năm 2021

Trước vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, với vai trò trung chuyển vốn trong nền kinh tế, chính sách tín dụng được điều hành theo phương châm mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; điều hành tín dụng gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ kênh tín dụng ngân hàng.

Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn, đối tượng chính sách, hỗ trợ giảm nghèo; tín dụng ngày càng hướng đến khu vực kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên nhưng cũng đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bà Hồng khẳng định.

“Điều kiện để các ngân hàng có thể tăng tín dụng là Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian áp dụng. Bởi nếu không được tiếp tục cơ cấu nợ, các ngân hàng buộc phải giảm cho vay và tăng cường trích lập dự phòng rủi ro…”, một lãnh đạo ngân hàng lên tiếng.

Cùng với đó, từ cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng các lĩnh vực ưu tiên. Dự kiến, năm 2021, việc “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng sẽ tiếp tục diễn ra nếu dịch bệnh được kiểm soát. Cũng như năm 2020, dòng tín dụng vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. 

PV