Chủ tịch VINASME: Trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cấp bách

23:10 01/02/2023

Theo TS. Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), để hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cấp bách nhất là phải giải quyết dứt điểm, càng sớm càng tốt vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.

Nhìn nhận về "bức tranh" kinh tế chung của 2023, TS.Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng: kinh tế năm 2023 sẽ khó khăn. Trước hết là do tình hình thế giới bất ổn, xung đột địa chính trị, cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn khiến kinh tế toàn cầu rất bất định.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế hội nhập, mở cửa rất sâu, nên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ bên ngoài. 

TS. Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thách thức rất lớn, song như mong muốn của Tổng Bí thư là năm 2023 phải đạt được kết quả tốt hơn năm 2022 - điều mà cả hệ thống chính trị, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, phải phấn đấu, vì năm 2022 đã rất thành công, với GDP tăng 8,02%. Nếu kinh tế đang lẹt đẹt thì tăng trưởng cao hơn không khó, nhưng đã ở mức như năm 2022 thì thực hiện được mong muốn nêu trên là rất khó.

Chủ tịch VINASME phân tích: Để có thể biến mong muốn thành hiện thực, thể chế vẫn cần đi trước một bước. Trong đó có 2 vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, về lâu dài, cần có thể chế cho kinh tế vùng, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thứ hai, cần sửa luật để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn, song cấp bách nhất là phải giải quyết dứt điểm, càng sớm càng tốt vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.

Đi sâu hơn về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, theo TS. Nguyễn Văn Thân, phần lớn trái phiếu đến kỳ không trả được là của doanh nghiệp bất động sản. Lúc giá bất động sản cao vút thì doanh nghiệp hưởng lợi, vậy lúc khó khăn thì doanh nghiệp cũng không thể phó mặc hết cho Nhà nước.

Nhưng để lấy lại phần nào niềm tin cho nhà đầu tư, cho người dân, thì cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tháo gỡ càng sớm càng tốt. Theo tôi, cần quan tâm giải quyết vấn đề của thị trường này ngay từ đầu năm. 

Trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cấp bách
Trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cấp bách.

Hiện nay, các doanh nghiệp có vấn đề về trái phiếu có thể chia làm 3 loại: Doanh nghiệp có những vấn đề quá lớn, không thể “cứu” được nữa thì đành chịu; doanh nghiệp đang làm ăn đàng hoàng thì cần tạo điều kiện về thể chế để họ có thể huy động trái phiếu một cách bình thường. Đông nhất là các doanh nghiệp ở mức lưng chừng, đang khó khăn vì đến kỳ mà không trả được. Các doanh nghiệp này đã tận dụng sự lỏng lẻo của cơ chế khi huy động, nhưng Nhà nước cũng cần chia sẻ với họ một phần, vì công tác quản lý nhà nước cũng có lúc lỏng lẻo, nên mới không phát hiện được kịp thời những vi phạm của họ. Vậy thì hai bên cần ngồi lại với nhau để nói hết những vấn đề nội tại của doanh nghiệp xem có hướng nào tháo gỡ không và tháo gỡ như thế nào.

Để giải quyết vấn đề trên, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chính sách được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch VINASME cho rằng cần linh hoạt hơn trong chính sách.

Cụ thể, cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm 2020 - 2021 có tăng trưởng, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ và giữ được việc làm cho người lao động. Đặc biệt, cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa để góp phần thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hóa. Văn hóa là động lực quan trọng để phát triển đất nước, nhưng một mình nhà nước không thể lo hết được, nên rất cần có sự hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

PV (t/h)