Từ tháng 7, xuất khẩu cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc có dấu hiệu chững

16:55 25/08/2021

Trong tháng 7, xuất khẩu cá tra sang Mỹ, EU, Brazil, Mexico, Colombia, Nga vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu 26%.

Thời điểm tháng 6, xuất khẩu (XK) cá tra đã tăng 28% nhưng trong tháng 7/2021 chỉ tăng nhẹ 2%, đạt 226 triệu USD, lũy kế 7 tháng đạt 907 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này phản ánh xu hướng sụt giảm mức tăng trưởng trong tháng 7.

Trong tháng 7, XK cá tra sang Mỹ, EU, Brazil, Mexico, Colombia, Nga vẫn tăng từ 24- 208%  so với cùng kỳ, nhưng XK sang Trung Quốc giảm sâu 26%, sang Anh và Thái Lan giảm lần lượt 40% và 22%. Tính đến hết tháng 7, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất, chiếm 26%, nhưng giá trị XK giảm 5%, Mỹ chiếm 22% XK cá tra Việt Nam với giá trị tăng 22% so với cùng kỳ. 

Từ tháng 7, xuất khẩu cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc có dấu hiệu chững
Từ tháng 7, xuất khẩu cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc có dấu hiệu chững.

Trong tháng 7, XK mực, bạch tuộc sang Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc giảm lần lượt 13%, 24% và 25% so với cùng kỳ. Trong khi đó, XK sang thị trường lớn nhất là Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ 1,5%, XK sang EU tăng  64%; XK sang Mỹ, Đài Loan, Nga tăng lần lượt 15%, 91% và 28%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, XK mực, bạch tuộc sang 3 thị trường lớn nhất là Hàn Quốc tăng 7% đạt 131 triệu USD, chiếm 41%, Nhật Bản đạt 63 triệu USD, giảm 8,6% và chiếm 20%, EU đạt 34 triệu USD, tăng 53% và chiếm 11%. XK sang Trung Quốc giảm 12% đạt 19,5 triệu USD.

XK cá ngừ tháng 7/2021 chỉ cao hơn 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 65 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm, nên XK cá ngừ tính đến cuối tháng 7 vẫn tăng 18% đạt 420 triệu USD. Mỹ, Italy, Israel, Canada, Nhật Bản là 5 thị trường đơn lẻ lớn nhất nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Tính đến cuối tháng 7, XK cá ngừ sang các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sang Mỹ tăng 18% và chiếm 44% giá trị XK cá ngừ Việt Nam, XK sang Italy tăng 90%, sang Canada tăng 50%, sang Israel tăng 39%, sang Nhật Bản tăng 1,2%. Tuy nhiên, riêng trong tháng 7, XK sang những thị trường này chững lại, thể hiện rõ nhất ở thị trường Canada giảm 45%, Itlay giảm 24%, Nhật Bản tăng nhẹ 1,7%, Mỹ tăng nhẹ 6%, chỉ còn Israel duy trì mức tăng cao 84%.

Chỉ có XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, hàu, sò điệp) vẫn giữ tăng trưởng ổn định trong tháng 7, tăng 31% và 7 tháng đầu năm tăng 40% đạt 84 triệu USD. Trong khi đó, XK bạch tuộc giảm nhẹ 1% trong tháng 7, tuy nhiên XK trong 7 tháng đầu năm vẫn cao 18% so với cùng kỳ đạt 154 triệu USD. XK mực 7 tháng đầu năm đạt 164 triệu USD, tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ, riêng trong tháng 7 chỉ tăng 1,2%.

Linh An