Đồng thời, Trungnam Group cũng đang tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh bằng việc triển khai đồng loạt các dự án năng lượng tái tạo với mục tiêu hòa lưới hơn 3000MW (03GW) tại Trà Vinh, Gia Lai, Đắk Lắk và Ninh Thuận trong 03 năm tới.
Qua hơn 15 năm thực hiện các dự án trong lĩnh vực năng lượng, Trungnam Group hiện trở thành một trong những tập đoàn tư nhân phát triển năng lượng lớn nhất Việt Nam với các dự án năng lượng thuộc thủy điện, điện mặt trời, điện gió thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2015, Trungnam Group miệt mài thực hiện các nhà máy thủy điện lớn ở khu vực Tây Nguyên nhằm cung cấp nguồn điện phục vụ người dân trong cả nước.
Sau thành công trong lĩnh vực năng lượng thủy điện với 3 nhà máy thủy điện tại Lâm Đồng, Đắk Lắk, Trungnam Group chuyển hướng đến năng lượng mặt trời và năng lượng gió, trong đó Ninh Thuận là nơi được hướng đến đầu tiên về những điều kiện đặc trưng của thời tiết, khí hậu. Theo thống kê, Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng về gió với 14 vùng, trên tổng diện tích khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt, ở Ninh Thuận ít có bão và lượng gió đều đặn suốt 10 tháng/năm, bảo đảm cho tua bin gió phát điện ổn định. Ngoài ra, Ninh Thuận còn có điều kiện tiếp nhận một lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình 2837,8 giờ/năm, cao nhất trên cả nước. Sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm không cao cũng là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời. Với thế mạnh đó, tỉnh Ninh Thuận thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch hàng đầu của Việt Nam.
Trang trại điện gió Trung Nam
Vào tháng 4/2019, Trungnam Group đã tổ chức khánh thành tổ hợp trang trại Năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại xã Bắc Phong và xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc) tỉnh Ninh Thuận, là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên của Việt Nam được hoà lưới điện trong năm 2019. Tổ hợp năng lượng tái tạo của Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp 220kV Tháp Chàm, tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng điện gió – điện mặt trời Trung Nam đạt 950 triệu Kwh – 1 tỷ triệu Kwh điện mỗi năm. Tổng diện tích vùng dự án năng lượng của Trungnam Group thực hiện tại Ninh Thuận có diện tích 900hecta, trong đó trang trại điện gió Trung Nam có tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, trong khi đó, trang trại điện mặt trời Trung Nam có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, có quy mô lắp đặt 705.000 pin mặt trời.
Tại khu vực miền Tây Nam bộ, Trà Vinh được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời, có lượng bức xạ trung bình năm đo được tại khu vực duyên hải đạt từ 1.700 kWh - 1900 kWh/m2 cường độ với bức xạ ngày trung bình hơn 4.9 kWh/m2. Nhận thấy được tiềm năng phát triển của địa phương, Trungnam Group đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát thực địa và quyết định triển khai dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, một trong những dự án năng lượng tái tạo lớn ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh có tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỉ đồng, tổng công suất 165 MWp. Dự án có quy mô 171 ha, bao gồm 32 trạm Inverter, 1 trạm biến áp 2x90 MVA và hơn 440 nghìn tấm pin mặt trời được lắp đặt trên hơn 7 nghìn giá đỡ; hòa điện, cung cấp vào nguồn điện cả nước và hỗ trợ an ninh năng lượng cho các khu vực chưa tiếp cận được với lưới điện quốc gia. Từ khi có dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, nơi đây đã có nhiều khởi sắc, vùng đất canh tác không hiệu quả nay trở thành một dự án năng lượng mặt trời giàu tiềm năng, tận dụng được nhân công địa phương, đồng thời các hoạt động xã hội đã tạo điều kiện cho các học sinh khó khăn tiếp tục đến trường, các hộ gia đình được hỗ trợ điều kiện, kinh phí để sản xuất kinh tế.
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh
Giữa tháng 3/2020, Trungnam Group được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định lựa chọn là nhà đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, được đặt ra tiến độ xây dựng từ quý II đến quý IV/2020 và hoàn thành, đưa vào vận hành cuối quý IV/2020. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giữa tháng 5/2020, Trungnam Group tổ chức phát động Chiến dịch 102 ngày đêm thực hiện dự án.
Khi đi vào vận hành, dự án này sẽ giải tỏa được công suất truyền tải cho khu vực Ninh Thuận và tạo điều kiện tiếp tục phát triển ngành năng lượng tái tạo của địa phương. Dự kiến khi đi vào vận hành, nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam với quy mô công suất 450 MW sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trong thời điểm hiện tại.
Sau hơn 15 năm thực hiện các dự án năng lượng, Trungnam Group xây dựng được đội ngũ cán bộ, kỹ sư trình độ cao, nhiều năm kinh nghiệm, đội ngũ công nhân thi công lành nghề, sẵn sàng thực hiện những dự án đòi hỏi kỹ thuật cao với thời gian nhanh nhất, đảm bảo hiệu quả chất lượng cáo nhất của công trình.
Trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, Trungnam Group làm việc với nhiều đối tác, nhà cung cấp nước ngoài có uy tín trên thị trường thế giới. Trong đó có thể kể đến ENERCON – nhà sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu châu Âu đến từ Đức, cung cấp tuabin gió công nghệ “không hộp số” (Gearless) và tự động điều chỉnh đón gió. Với công nghệ tuabin không hộp số, các trụ gió tại Nhà máy điện gió Trung Nam có thể hoàn toàn vận hành bình thường ngay khi gió đạt tốc độ 2.5 m/s. Tại cánh đồng điện mặt trời, đối tác Siemens cung cấp thiết bị INVERTER & công nghệ chuyển hóa bức xa mặt trời, được thiết kế chịu nhiệt độ trên 40 độ C, không suy giảm hiệu suất chuyển hoá, cũng như không xảy ra tình trạng quá tải do nhiệt độ cao. Các thiết bị, phụ kiện khác do Siemens triển khai đạt được kích thước tối ưu khi gọn và nhẹ hơn so với các hãng.
Với mục tiêu triển khai các dự án năng lượng góp phần thực hiện an ninh năng lượng quốc gia, Trungnam Group tiếp tục thực hiện nhiều dự án năng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, trở thành một trong các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020./.
Thanh Thảo