Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay

12:12 04/04/2024

Năm 2024, dự kiến Thành phố sẽ đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM với mục tiêu tập hợp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố cũng như trong và ngoài nước.

Phối cảnh trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP HCM
Phối cảnh Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM.

Tòa nhà Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM diện tích hơn 17.000 m2 hoàn thiện trên 90%, dự kiến đi vào hoạt động vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay.

Thông tin trên do bà Phan Thị Quý Trúc, Phó phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) chia sẻ tại Hội nghị triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 3/4.

Năm 2024, dự kiến Thành phố sẽ đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM với mục tiêu tập hợp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố cũng như trong và ngoài nước. Trung tâm này cũng sẽ giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho cộng đồng, đồng thời cung cấp các dịch vụ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, R&D và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học… nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Thành phố trong khu vực và quốc tế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Đây cũng là nơi triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM khi thực hiện Nghị quyết 98 như miễn giảm thuế, hỗ trợ không hoàn lại dự án khởi nghiệp từ 40 - 400 triệu đồng, thử nghiệm chính sách về sản phẩm dịch vụ mới, thu hút chuyên gia và nhà khoa học cho các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế.

"Không gian và mô hình hoạt động của trung tâm theo hướng mở để cộng đồng và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu thông tin liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp của TP HCM", bà Trúc nói. Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM cũng là đơn vị vận hành nền tảng trực tuyến (H.O.I.P) tập trung hệ thống dữ liệu của hệ sinh thái, để các doanh nghiệp, startup đăng ký và tham gia các chính sách hỗ trợ của thành phố. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đang tổ chức đặt hàng nghiên cứu xây dựng báo cáo thường niên về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP HCM năm 2024, xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp, xây dựng khung chương trình đào tạo tổng thể về khởi nghiệp sáng tạo...

Tòa nhà Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM khởi công hơn 3 năm trước đặt tại số 123 Trương Định, quận 3. Tòa nhà có 11 tầng, trong đó 8 tầng nổi, 3 tầng hầm. Khu vực tầng 1 - 3 là nơi triển khai các hoạt động hỗ trợ của nhà nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tầng 4 - 8, dự kiến thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng, Thành phố đã ban hành nghị quyết hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo và đang trong giai đoạn tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức. Ông cho biết, Sở đang hoàn thiện thủ tục để tiếp tục trình HĐND thông qua chính sách về miễn giảm thuế cho tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM mong muốn với những chính sách cụ thể, đa dạng cần có sự quan tâm, phối hợp cộng đồng khởi nghiệp để tạo ra hiệu quả đột phá.

Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM trong năm 2023, thành phố hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho hơn 2.500 doanh nghiệp; ươm tạo 308 dự án khởi nghiệp. Thành phố hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm; hơn 1.800 doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 do nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới thực hiện chỉ ra một số tồn tại của hệ sinh thái trong nước. Cụ thể, nhóm chuyên gia cho rằng chất lượng và mức độ hỗ trợ của các chính sách nhà nước đưa ra còn thấp, chưa có cơ chế đầu tư mạo hiểm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân do các chương trình hỗ trợ bị tình trạng thiếu kinh phí, phân mảnh, cơ chế chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhóm chuyên gia chỉ ra vấn đề thủ tục hành chính còn phức tạp, chưa rõ ràng ở một số lĩnh vực. Về đào tạo, hiện các startup chưa có chương trình dạy về nâng cao năng lực quản lý, vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp thật sự có chất lượng...

Trong khuôn khổ Hội nghị, bà Đặng Thị Luận (Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cũng đã công bố Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2024 (I-Star 2024) và phát động Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 (Gov.Star 2024)".

Thông tin thêm về Cuộc thi Gov.Star 2024, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh mong muốn tìm kiếm giải pháp giải quyết các vấn đề cụ thể, có thể đưa vào ứng dụng thực tiễn. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM rất kỳ vọng các đơn vị quận huyện và thành phố Thủ Đức sẽ đặt hàng bài toán cụ thể để Sở có cơ sở triển khai, hoặc tổ chức hội nghị tập huấn cho các phòng Kinh tế về đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Phương Linh (T/h)