Tại lễ ký kết, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm phát triển mạnh mẽ hơn, tham gia hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; nhất là lĩnh vực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do ngành Giáo dục đào tạo, đóng góp vào sự phát triển KT-XH đất nước.
Cụ thể, Trung tâm thực hiện 2 nhiệm vụ là Báo cáo tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp hằng năm để báo cáo Chính phủ, Quốc hội và Báo cáo dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội, dự báo phát triển các chương trình đào tạo, ngành đào tạo; để làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, giúp HSSV, các gia đình lựa chọn ngành/trường học, học tập, sớm có việc làm và chất lượng làm việc hiệu quả, chất lượng hơn.
Triển khai các hoạt động đào tạo, giáo dục hướng nghiệp cho HS phổ thông; hỗ trợ đào tạo các kỹ năng thiết yếu, kỹ năng tiếng Anh, hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho HSSV.
Ngoài ra, kết nối thường xuyên, hiệu quả với thị trường lao động ngoài xã hội với quy mô hiện nay gần 900.000 doanh nghiệp để bố trí thực tập, thực tập tốt nghiệp cho SV, tuyển dụng SV tốt nghiệp (quy mô từ 300-350 ngàn/năm); đào tạo lại theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Tiến hành các hoạt động đặt hàng xây dựng Đề án nghiên cứu khoa học, Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho các địa phương, ngành; các dự án của World Bank, ADB, Erasmus, One UN, NGO tại Việt Nam…
Hơn nữa sẽ kết nối với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới để tham gia hay tổ chức các hoạt động, hội nghị, toạ đàm quốc tế cho HSSV, giảng viên; tham gia chuỗi cung ứng nhân lực trình độ cao ra nước ngoài; tổ chức ươm tạo tài năng xuất sắc trong HSSV; các chương trình thực tập sinh, trao đổi sinh viên ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho SV trước khi tốt nghiệp…
Đặc biệt, tích cực nghiên cứu triển khai các đề án, nhiệm vụ nhằm chuyển đổi số ngành Giáo dục; hiện đại hoá, nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công, số hoá hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực các trường đại học, xây dựng các Sàn giao việc việc làm online hiện đại để phục vụ HSSV, các doanh nghiệp; tổ chức chuỗi các sự kiện ngày Hội việc làm, tư vấn tuyển sinh… quy mô khu vực, quốc gia.
Để làm tốt các nhiệm vụ nêu trên; Trung tâm định hướng xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển bền vững gồm các bên tham gia: Bên 1 - Cung (các Sở GD&ĐT tại 63 tỉnh/thành phố, hơn 250 trường đại học, quy mô gần 20 triệu HSSV); bên 2 - Cầu (các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động trong và ngoài nước); Bên 3 – sẽ tham gia nội dung chương trình đào tạo, cung cấp chuyên gia giỏi (các Công ty Công nghệ giáo dục đào tạo Edutech, Kỹ năng sống); Bên 4 – Các đơn vị chức năng quản lý nhà nước thuộc các Bộ ngành trung ương để phối hợp đề xuất các chính sách về việc làm thêm của sinh viên, việc làm, phát triển nguồn nhân lực…
Tại chương trình, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực đã ký kết thỏa thuận hợp tác đợt 1-2022 với các đơn vị: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Bộ KHCN), Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Dự báo và phát triển nguồn nhân lực Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Công nghệ giáo dục NovaEdu, Công ty cổ phần Công nghệ Thiên hà xanh, Công ty Cổ phần phát triển giáo dục quốc tế GAIA, Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực chất lượng cao CLC, Công ty cổ phần Giáo dục và phát triển nghề nghiệp BnD Edu, Công ty cổ phần Công nghệ và dịch vụ EPR, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Mở Hà Nội, Tạp chí doanh nhân Sài Gòn…
Mỹ Dung