Trung Quốc xem xét các đợt IPO ở nước ngoài của các công ty có từ 1 triệu người dùng trở lên

08:30 11/07/2021

Cuộc đàn áp được đánh giá là có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty và phủ bóng đen lên lĩnh vực công nghệ của đất nước.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã bắt đầu sửa đổi các biện pháp rà soát an toàn mạng, bao gồm đề xuất rằng các công ty nắm giữ thông tin cá nhân của hơn 1 triệu cá nhân phải trải qua một cuộc đánh giá bảo mật khi niêm yết ở nước ngoài. © Reuters

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã bắt đầu sửa đổi các biện pháp rà soát an toàn mạng. Ảnh: Reuters.

Cơ quan quản lý Internet Trung Quốc ngày 10/7 cho biết, các công ty Trung Quốc đang tìm cách niêm yết ở nước ngoài sẽ bị chính quyền Bắc Kinh kiểm tra theo quy định nếu họ có từ 1 triệu người dùng trở lên với thông tin cá nhân đã đăng ký.

Quyết định này đánh dấu bước đi lớn đầu tiên của Trung Quốc trong việc đàn áp các công ty Trung Quốc niêm yết ra nước ngoài. Trung Quốc là nơi đặt trụ sở của một số công ty với hàng triệu người dùng trực tuyến đã đăng ký. Cuộc đàn áp có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty và phủ bóng đen lên lĩnh vực công nghệ của đất nước. 

Hôm thứ Bảy (10/7), Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã bắt đầu lấy ý kiến ​​công chúng về việc sửa đổi các biện pháp rà soát an toàn mạng của họ. Đề xuất sửa đổi bao gồm một điều khoản mới quy định rằng các công ty nắm giữ thông tin cá nhân của hơn 1 triệu cá nhân phải trải qua một cuộc đánh giá bảo mật khi niêm yết ở nước ngoài.

Các công ty Trung Quốc cũng sẽ được yêu cầu gửi các tài liệu liên quan đến các đợt chào bán lần đầu ra công chúng. 

Trước đây, một cuộc "đánh giá đặc biệt" được tiến hành khi có sự bất đồng giữa các cơ quan chức năng sẽ được hoàn thành trong vòng 45 ngày nhưng giờ sẽ được kéo dài đến ba tháng, vì Trung Quốc có mục đích thận trọng trong các đánh giá của mình.

Bắc Kinh đã tiến hành nhiều cuộc điều tra đối với các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra đối với ứng dụng gọi xe khổng lồ Didi Global trong tháng này và đình chỉ tải xuống do vi phạm luật dữ liệu sau khi đợ IPO của họ trên Sở Giao dịch chứng khoán New York. Cơ quan quản lý không gian mạng cũng đã công bố các đánh giá liên quan đến an ninh quốc gia đối với hai công ty Trung Quốc gần đây đã ra mắt công khai tại Mỹ.

Một số báo cáo truyền thông cho biết ứng dụng podcast Ximalaya của Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ sau áp lực từ chính quyền Bắc Kinh. Công ty có hơn 200 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và nắm giữ một lượng lớn thông tin cá nhân, bao gồm cả dữ liệu giọng nói.

Ứng dụng giáo dục trực tuyến Zuoyebang của Trung Quốc cũng được cho là đang xem xét IPO tại Mỹ. Công ty được hỗ trợ bởi SoftBank Group và Alibaba Group Holding, hiện có hơn 100 triệu người dùng hàng tháng và nắm giữ rất nhiều thông tin cá nhân về trẻ em.

Cuộc đàn áp của Trung Quốc đang gia tăng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, đặc biệt trong thời đại mà dữ liệu có thể xác định khả năng cạnh tranh của các công ty và quốc gia. Tuy nhiên, có thể có rủi ro đối với các công ty bị hạn chế quá mức, vì nó có thể làm suy yếu sự tăng trưởng tiềm năng của họ.

Bảo Bảo (Theo Nikkei Asia)