Trung Quốc mở cửa cho các công ty tài chính nước ngoài nhưng liệu nhà đầu tư quốc tế có thâm nhập thành công?

14:48 28/11/2021

Các tổ chức ở nước ngoài mong muốn chính sách nhất quán và dễ dự đoán tại thị trường lớn thứ hai thế giới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã tăng tốc mở cửa lĩnh vực tài chính, cho phép các tổ chức nước ngoài tiếp cận với các nhà đầu tư ở quốc gia đông dân nhất thế giới và một trong những thị trường vốn lớn nhất. Sau khi cam kết vào năm 2017 xóa bỏ các rào cản đối với quyền sở hữu, chính phủ cuối cùng đã bắt đầu “bật đèn xanh” vào năm 2020 cho các công ty bao gồm Goldman Sachs để vận hành doanh nghiệp 100% vốn tại Trung Quốc đại lục. Danh sách hạng mục đầu tư được cấp phép gồm có dịch vụ tài chính, quản lý quỹ tương hỗ, bảo hiểm nhân thọ, môi giới chứng khoán và hợp đồng tương lai.

Các cơ quan quản lý cũng đã tạo điều kiện “dễ thở” hơn cho các tổ chức nước ngoài đầu tư vào thị trường trong nước thông qua các sáng kiến ​​lâu đời như chương trình QFII cũng như mở rộng kết nối thị trường trái phiếu, cổ phiếu đại lục với Hồng Kông. Từ đầu năm đến ngày 10 tháng 11, Ủy ban Điều tiết và Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã chấp thuận cho 101 tổ chức ở nước ngoài khác đầu tư vào thị trường vốn trong nước thông qua chương trình QFII, đây mức cao nhất được ghi nhận.

Các nhà chức trách cũng mở rộng thị trường phái sinh và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều hơn để giúp phòng ngừa rủi ro, đồng thời nới lỏng các quy định về các vấn đề như thuế và chuyển lợi nhuận. Kể từ ngày 1 tháng 11, các nhà đầu tư theo chương trình QFII đã được phép giao dịch hợp đồng tương lai hàng hóa, quyền chọn hàng hóa và quyền chọn chỉ số chứng khoán tại những khu vực trước đây không chào đón người nước ngoài. Các biện pháp mở cửa đã dẫn đến sự gia tăng tài sản tài chính bằng đồng nhân dân tệ tại thị trường trong nước do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, cụ thể là cổ phiếu, trái phiếu, các khoản vay ngân hàng và tiền gửi. Vào tháng 5, giá trị nắm giữ lần đầu tiên vượt 10 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,57 nghìn tỷ USD), gần gấp đôi so với con số hai năm trước đó và ở mức 10,2 nghìn tỷ tệ vào cuối tháng 9.

Tuy nhiên, mở cửa là một chuyện, thách thức lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Hiện nay, các tổ chức người ngoài đối mặt với đặc điểm thị trường, quy định cạnh tranh khác hẳn so với thị trường lâu đời. Một giám đốc điều hành làm việc tại tổ chức tài chính vốn người ngoài cho hay: “Đây không chỉ đơn thuần thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc đến với Trung Quốc mà quan trọng hơn làm thế nào để phát triển lợi nhuận và thành công. Nếu vài năm nữa vẫn thất bại, họ sẽ bỏ đi và dẫn đến làn sóng thoái vốn”. Một giám đốc điều hành khác tiếp tục chỉ ra, mặc dù các nhà đầu tư có quyền tiếp cận cao hơn nhưng lo ngại lớn nhất vẫn là tính nhất quán và khả năng dự đoán của các chính sách. Các cuộc tấn công nhằm thắt chặt quy định trên nhiều lĩnh vực từ fintech đến giáo dục đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư.

Quy định và môi trường chính sách thay đổi liên tục là những thách thức đáng kể đối với các tổ chức nước ngoài, cùng với nhu cầu phát triển kiến ​​thức chuyên sâu hơn về thị trường địa phương, mối quan hệ tốt hơn với các cơ quan quản lý và trung gian, đồng thời tăng cường kênh phân phối và nhận thức về thương hiệu. Trong lĩnh vực quản lý tài sản và quản lý tài sản, các công ty nước ngoài mới tham gia không có bề dày thành tích tại thị trường Trung Quốc trước đó rất khó ghi dấu ấn và cạnh tranh vô cừng khốc liệt. Tuy nhiên, mọi người chơi đều nhận rõ những rào cản nêu trên, đặc biệt là người chơi hiện diện ở đại lục trong nhiều năm đã xây dựng khuôn khổ hiểu biết về quy định, chỉ chờ cơ hội “thừa thắng xông lên”.

Năm 2018, 4 “gã khổng lồ” đã nắm cổ phần kiểm soát trong các liên doanh chứng khoán hiện gồm Goldman, UBS, Credit Suisse và Morgan Stanley. Bốn cái tên khác đã được chấp thuận thành lập các công ty chứng khoán như JPMorgan Chase, Tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura Holdings và Daiwa Securities, gã khổng lồ ngân hàng Singapore DBS. Ngân hàng Pháp BNP Paribas, SMBC Nikko Securities của Nhật Bản và Standard Chartered của Vương quốc Anh đang chờ phê duyệt để thành lập công ty chứng khoán. Sau khi tất cả các phê duyệt hoàn tất, sẽ có tổng cộng 11 công ty chứng khoán do nước ngoài kiểm soát hoạt động tại đại lục, cạnh tranh tại thị trường đông đúc gồm hơn 140 công ty được thống trị bởi người chơi nội địa như Citic Securities, Huatai Securities và Guotai Junan Securities.

Trong lĩnh vực quản lý tài sản, 3 công ty nước ngoài đã giành được sự chấp thuận thành lập các công ty quỹ tương hỗ là BlackRock, Fidelity International và Neuberger Berman. Van Eck Associates, AllianceBerntein và Schroders đang chờ phê duyệt để thành lập các đơn vị. Họ sẽ cạnh tranh với hơn 130 nhà quản lý quỹ tương hỗ bao gồm E Fund Management, China Universal Asset Management và GF Fund Management có báo cáo lợi nhuận ròng nửa đầu năm từ khoảng 1,3 tỷ đến khoảng 1,8 tỷ tệ. Trong khi đó, Công ty bảo hiểm Allianz của Đức đã được chấp thuận thành lập công ty con quản lý tài sản bảo hiểm thuộc sở hữu toàn bộ. Thành lập liên doanh được đánh giá là lựa chọn chiến lược trong ngành này. Amundi Asset Management, công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, là người đầu tiên giành được sự chấp thuận vào tháng 12 năm 2019, nắm giữ 55% cổ phần trong một liên doanh với chi nhánh quản lý tài sản của Ngân hàng Trung Quốc.

Những thách thức về quy định

Một nhà quản lý tại công ty môi giới có vốn đầu tư nước ngoài phàn nàn rằng, các quy tắc và thủ tục cấp phép một công ty hoặc một sản phẩm gia nhập thị trường quá nghiêm ngặt. Theo người này, các tổ chức nước ngoài đang tìm cách nâng tỷ lệ nắm giữ trong liên doanh Trung Quốc lên 100% từ 51% cổ phần nhưng vẫn cần phải thông qua các thủ tục khó nhằn. Ngân hàng đầu tư chịu giám sát chặt chẽ hơn ở nhiều thị trường nước ngoài trong đó khối lượng thủ lục để niêm yết trên thị trường cổ phiếu A gấp hơn bốn lần yêu cầu ở Hồng Kông.

Các tổ chức tài chính được cấp phép cũng phải đăng ký hoặc được phê duyệt cho mọi sản phẩm mới mà họ muốn tung ra, điều này làm giảm hiệu quả và làm chậm quá trình mở rộng. Một nhà quản lý cho hay: "Nếu Trung Quốc tiếp tục với cách điều tiết này, họ sẽ không thể theo kịp thị trường đang thay đổi nhanh chóng hoặc với nhu cầu ngày càng phức tạp đối với các dịch vụ từ các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ, chưa nói đến đổi mới tài chính”. Một người khác kêu gọi các nhà chức trách nên tôn trọng quan điểm và quyết định của các tổ chức nước ngoài đối với các công ty mẹ. Ông cho rằng quy định không nên yêu cầu các thể chế nước ngoài phát triển theo một hướng nhất định.

Các thước đo đánh giá tổ chức tài chính cũng là vấn đề đối với các công ty môi giới nước ngoài, đặc biệt là sử dụng tài sản ròng để đánh giá sức mạnh kinh doanh. Các cơ quan quản lý Trung Quốc đưa tài sản ròng vào một khuôn khổ giám sát để hạn chế đòn bẩy quá mức trong lĩnh vực tài chính và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư. Điều đó mâu thuẫn với các thể chế mô hình kinh doanh thường áp dụng ở các thị trường phát triển, vốn không đòi hỏi nhiều vốn, đồng thời khuôn khổ dựa trên cách tiếp cận "một kích thước phù hợp với tất cả" mà không cần suy tính đến đặc điểm của vốn nước ngoài.

Các nhà môi giới có tài sản ròng hơn 2 tỷ tệ sẽ dễ dàng có được thứ hạng cao hơn theo hệ thống phân loại CSRC sử dụng để đo lường khả năng quản lý rủi ro. Thế nhưng chínhd điều này khiến các tổ chức nước ngoài gặp bất lợi vì tài sản ròng của các dự án liên doanh tại Trung Quốc hiện đạt trung bình khoảng 1 tỷ tệ. Một số nhà môi giới nước ngoài phàn nàn rằng khuôn khổ giám sát đã bỏ qua những lợi thế khác của người chơi quốc tế, chẳng hạn như chuyên môn trong các dịch vụ tài chính.

Ngoài ra, không chắc chắn về quy định là một mối quan tâm khác đối với nhiều tổ chức nước ngoài. Năm nay, việc Trung Quốc thắt chặt quy định trên phạm vi rộng đối với các công ty nền tảng internet và ngành giáo dục, cũng như các chính sách bảo tồn năng lượng và giảm thiểu carbon, đã khiến các nhà đầu tư rơi vào thế bí và làm tổn thương thị trường chứng khoán nước này. Tựu chung, các nhà đầu tư nước ngoài muốn có một môi trường kinh doanh ổn định và các chính sách pháp lý nhất quán.

Shen Bing, Giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế của CSRC thừa nhận rằng, Trung Quốc cần thực hiện nhiều cải tiến: “Chúng tôi cũng nhận thức rõ ràng khoảng cách lớn giữa mức độ quốc tế hóa của thị trường vốn Trung Quốc và các thị trường phát triển. Ngoài sự khác biệt về độ mở, quan trọng hơn là cung cấp các quy định còn thiếu sót bởi những gì hiện có chưa hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó cần nâng cao tính minh bạch, đầy đủ và dễ dự đoán của hệ thống”.

Môi trường và đặc điểm thị trường độc đáo của Trung Quốc rất khó để nhiều tổ chức nước ngoài có thể nắm bắt, ngoài ra họ thiếu chiều sâu và bề rộng của các mối quan hệ mà đối thủ trong nước xây dựng từ trước. Các công ty môi giới nội địa thường thắt chặt quan hệ đối tác chặt chẽ với các trung gian địa phương để tìm kiếm nhiều khách hàng hơn và quen thuộc với các làm việc của các cơ quan quản lý. Thiếu hiểu biết về thị trường và quá trình xây dựng chuyên môn đồng nghĩa với các tổ chức nước ngoài cần hợp tác với các nhóm địa phương để giúp đỡ hoạt động kinh doanh nhằm tiết kiệm thời gian và năng lượng cũng như nâng cao hiệu quả.

Chú trọng tăng trưởng hơn lợi nhuận

Theo nguồn tin cho biết, một số tập đoàn sẵn sàng thua lỗ trong vài năm đầu sau khi thâm nhập thị trường Trung Quốc và tập trung nhiều hơn để giành thị phần. Những thách thức đã khiến một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới là The Vanguard Group, từ bỏ kế hoạch thành lập một công ty quỹ tương hỗ, thay vào đó tập trung vào việc phát triển kinh doanh thông qua liên doanh tư vấn robot với người Trung Quốc.

Nhiều công ty tài chính nước ngoài lạc quan và chuẩn bị “đi đường dài” bất chấp thách thức. Ví dụ, Fidelity International lần đầu tiên thành lập văn phòng tại Trung Quốc vào năm 2004 và thiết lập hoạt động công nghệ tại quốc gia này vào năm 2007. Rajeev Mittal, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Fidelity International, cho hay: “Chúng tôi rất kiên nhẫn chờ đợi Trung Quốc mở cửa thị trường. Khi thời điểm đó đến, chúng tôi đã đăng ký chứng chỉ quản lý quỹ tư nhân và sau đó là giấy phép quỹ tương hỗ thuộc sở hữu toàn bộ." Sau khi nhận được giấy phép vào tháng 8, Fidelity hiện đang chuẩn bị quy trình kiểm tra tại chỗ của các cơ quan quản lý và hy vọng sẽ khởi động quỹ tương hỗ đầu tiên vào năm 2022.

Eugene Qian, Chủ tịch UBS Securities, ngân hàng Thụy Sĩ liên doanh UBS tại Trung Quốc, cũng hy vọng rằng, nhiều cơ hội hơn sẽ xuất hiện cho các ngân hàng đầu tư nước ngoài lớn khi thị trường trong nước ngày càng trở nên quốc tế hóa. Ông nói: “Các ngân hàng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc thường là các tổ chức lớn có một hệ thống toàn diện. Trong những lĩnh vực này, các ngân hàng đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm hơn người chơi trong nước và thường hỗ trợ công ty đại lục huy động tiền ở các thị trường khác như Hồng Kông và New York.

TL