Trung Quốc có thể trở thành nơi xuất phát khủng hoảng tài chính toàn cầu

10:10 23/10/2021

Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới chuẩn bị cho cuộc họp thường niên vào tuần tới, mọi con mắt đều đổ dồn vào Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc. Công ty này dường như không có khả năng hoàn trả gần 300 tỷ USD hiện đang nợ các ngân hàng, trái chủ, nhân viên và các nhà cung ứng. Với việc gã khổng lồ bất động sản đang đứng trước bờ vực phá sản, thế giới đang buộc phải suy ngẫm về một viễn cảnh mà họ chưa bao giờ thật sự xem xét nghiêm túc: một cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Trung Quốc.

 

Trung Quốc có thể trở thành nơi xuất phát khủng hoảng tài chính toàn cầu
Trung Quốc có thể trở thành nơi xuất phát khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các nhà quan sát đã nhanh chóng tìm ra những điểm tương đồng giữa sự sụp đổ của Evergrande và các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Một số người so sánh nó với sự sụp đổ năm 2008 của ngân hàng đầu tư Mỹ là Lehman Brothers, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng lớn. Những người khác thì nhớ về sự kiện gần như phá sản của quỹ đầu tư mạo hiểm Long-Term Capital Management năm 1998, việc này đã được ngăn chặn bằng một gói cứu trợ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhằm bảo vệ thị trường tài chính. Những người khác lại liên tưởng tới cuộc khủng hoảng bong bóng bất động sản bắt nguồn tại Nhật Bản vào những năm 1990.

Điểm chung của những cuộc khủng hoảng trên là sự kết hợp giữa việc sử dụng đòn bẩy quá mức và tài sản được định giá quá cao. Nhưng hiện tại, chưa có ai thực sự đưa ra được cái nhìn đúng đắn về tình hình tại Evergrande. Lý do đến từ đặc thù của hệ thống ngân hàng và tài chính của Trung Quốc, khi hệ thống này được quản lý bằng chính sách của giới cầm quyền chứ không phải do thị trường quyết định.

Trong khi Mỹ chỉ ra tay cứu giúp bằng các gói cứu trợ khi nhận thấy hệ thống tài chính khả năng cao sẽ sụp đổ, thì Trung Quốc lại thường xuyên can thiệp vào thị trường vốn và qua đó quản lý hệ thống tài chính một cách ổn định hơn. Do đó, các cơ quan quản lý tiền tệ của Trung Quốc rất thành thạo trong việc quản lý những rắc rối tài chính của các doanh nghiệp trong nước, ngăn chặn sự sụp đổ mang tính dây chuyền, đảm bảo chi phí vay nợ thấp và cung cấp các gói cứu trợ có chọn lọc.

Trong các cuộc giải cứu như vậy, những nhà chức trách Trung Quốc cũng phải trả lời câu hỏi hóc búa rằng liệu một công ty có thực sự “quá lớn để thất bại - too big to fail”, như cách mà nhà chức trách Mỹ đã phải trả lời để đưa đến quyết định sau cùng là để Lehman Brothers phá sản. Tuy nhiên, khác với Mỹ, Trung Quốc hoàn toàn có thể đánh đổi những chuẩn mực về mặt đạo đức để đổi lấy sự ổn định cho hệ thống tài chính.

Do vậy, chúng ta có nhiều cơ sở để tin rằng Trung Quốc sẽ can thiệp sâu để quản lý cuộc khủng hoảng mang tên Evergrande. Nhưng dù kết quả là gì thì nó cũng sẽ để lại hai vết sẹo lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Thứ nhất, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được bảo vệ trong quá trình giải quyết khủng hoảng này, niềm tin của nhà đầu tư đối với Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng xấu. Đặc biệt là đối với thị trường tín dụng nước ngoài của Trung Quốc, nơi đặc biệt chịu rủi ro của Evergrande. Lợi suất trái phiếu đầu cơ (junk dollar bond) của Trung Quốc đã tăng lên xấp xỉ 15%, mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ.

Kể từ khi thành lập vào năm 2010, thị trường nước ngoài đã trở thành trọng tâm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm biến đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế có tính thanh khoản cao và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra cực kỳ thận trọng trong việc giao dịch các tài sản bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường này. Câu chuyện về Evergrande sẽ củng cố sự nghi ngờ của họ, ít nhất là vào lúc này, buộc Trung Quốc phải đánh giá lại chiến lược đồng nhân dân tệ của mình.

Vết sẹo thứ hai là tác động lên nền kinh tế thực của Trung Quốc. Lĩnh vực bất động sản chiếm gần 30% GDP của Trung Quốc, so với 19% của Mỹ. Và giá trị gia tăng bất động sản đóng góp khoảng 6.5% vào GDP của Trung Quốc. (Nếu xem xét những đóng góp gián tiếp, chẳng hạn như đầu tư tài sản cố định thì đóng góp của ngành này đối với tăng trưởng của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn).

Từ đó, quả bom mang tên Evergrande có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nếu nó gây ra sự sụt giảm trong giá cổ phiếu và bất động sản - nhà ở chiếm 78% tài sản của Trung Quốc, so với 35% của Mỹ - thì niềm tin của người tiêu dùng sẽ bị lung lay và mức tiêu dùng thực tế theo đó cũng sẽ giảm theo.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể kiểm soát cuộc khủng hoảng Evergrande và ngăn chặn hậu quả của nó lan sang các thị trường tài chính toàn cầu hay không? Cho đến nay, hầu hết những kỳ vọng của mọi người đều là Trung Quốc sẽ thành công trong việc giải quyết vấn đề mang tên Evergrande. Ngay cả khi Evergrande sụp đổ, theo kỳ vọng của họ, hệ thống ngân hàng và tài chính của Trung Quốc cũng sẽ đủ mạnh mẽ và kiên cường để vượt qua. Hơn nữa, những chính sách giải cứu với tốc độ cũng như quy mô như Fed vào năm 2008 nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng Mỹ nhiều khả năng sẽ phát huy tác dụng. Một số chính sách bao bồm cả nới lỏng tiền tệ và tài khóa sẽ được chính quyền áp dụng triệt để.

Nhưng không có gì đảm bảo rằng các chính sách can thiệp trên sẽ được áp dụng kịp thời để bắt kịp với diễn biến của cuộc khủng hoảng, những ảnh hưởng mang tính chính trị hoàn toàn có thể cản trở các biện pháp can thiệp ấy. Nếu Trung Quốc không thể kiểm soát được tình hình, phần còn lại của thế giới sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng theo.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hệ thống tài chính của Trung Quốc đã liên tục phát triển để trở thành một trong những hệ thống tài chính lớn nhất thế giới, với tài sản tài chính lên tới gần 470% GDP. Và hệ thống ấy đã hội nhập hơn với phần còn lại của thế giới thông qua các dòng vốn đầu tư và các khoản cho vay trực tiếp. Nhưng trong khi hệ thống tài chính Trung Quốc hiện nay đóng vai trò quan trọng thì câu hỏi đặt ra là liệu mạng lưới an toàn - được tài trợ bởi các tổ chức tài chính đa phương, đặc biệt là IMF - có đủ sức để kiểm soát khủng hoảng mang tính toàn cầu hay chưa.

Mạng lưới an toàn đó hiện được ước tính lên tới khoảng 2.7 nghìn tỷ USD (dựa trên các nguồn tài chính sẵn có, không bao gồm các nguồn đã cam kết trước). Con số này ít hơn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc - hiện vào khoảng 3.2 nghìn tỷ USD. Liệu khoản tiền này có đủ để ngăn chặn thảm họa trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Trung Quốc? Liệu Mỹ - cổ đông chính của IMF - có đồng ý cho IMF hỗ trợ và tăng cường nguồn lực để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như vậy?

May mắn thay, kịch bản sụp đổ này dường như vẫn rất khó xảy ra. Nhưng nó không nên bị gạt ra khỏi suy nghĩ của chúng ta. Sau cùng, có bao nhiêu sự kiện có xác suất thấp đã trở thành hiện thực trong hai thập kỷ qua? Ít nhất, cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ khiến chúng ta không còn tự mãn về những rủi ro tài chính toàn cầu. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống tài chính an toàn và bền bỉ, chứ không phải cách chúng ta đang chính trị hóa những “cấu trúc tài chính đa phương” như hiện nay. Và nếu một cuộc khủng hoảng về hệ thống tài chính xảy ra với Trung Quốc, chúng ta cần biết ai sẽ tham gia để giải cứu phần còn lại của thế giới và bằng cách nào.

Paola Subacchi - Giáo sư Kinh tế Quốc tế tại Viện Chính sách Toàn cầu Queen Mary Đại học London, Vương quốc Anh