Trung Quốc cam kết thúc đẩy phát triển sản phẩm thạch đen Lạng Sơn

18:10 24/09/2021

Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng lượng sản phẩm Thạch đen xuất khẩu đạt kim ngạch gần 1,4 triệu USD, và còn nhiều dư địa phát triển.

Thạch đen được trồng chủ yếu ở các nước Đông Á, tập trung chính ở Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Trong đó, thạch đen ở Việt Nam được đánh giá cao, không chỉ dùng như một món ăn thanh nhiệt, giải độc, mà còn được sử dụng như một loại dược liệu có tác dụng hạ cholesterol trong máu, chống lão hóa, hỗ trợ điều trị tiểu đường, huyết áp cao.

Tại Việt Nam, cây thạch đen được trồng chủ yếu ở Cao Bằng, Lạng Sơn và rải rác ở các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc khác. Đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng núi, vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng lượng sản phẩm Thạch đen xuất khẩu đạt kim ngạch gần 1,4 triệu USD, và còn nhiều dư địa phát triển.

Trung Quốc cam kết thúc đẩy phát triển sản phẩm thạch đen Lạng Sơn
Trung Quốc cam kết thúc đẩy phát triển sản phẩm thạch đen Lạng Sơn.

Ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây cho biết: Người dân Trung Quốc đã sử dụng thạch đen như một món ăn thanh nhiệt, giải độc từ hàng nghìn năm nay. Đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe, và còn được sử dụng như một loại dược liệu, giúp hạ cholesterol trong máu, chống lão hóa, hỗ trợ điều trị tiểu đường, huyết áp cao. Có nhiều lợi ích nhưng thạch đen ở Trung Quốc hiện bị thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng chế biến không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Do đó, Quảng Tây và Lạng Sơn có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển.

Trên cơ sở hợp tác thương mại thạch đen với Lạng Sơn, ngành thương mại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sẽ định hướng để một số doanh nghiệp liên kết, triển khai xây dựng cơ sở chế biến thạch đen ngay tại Lạng Sơn, với công suất ước khoảng hàng nghìn tấn.

PV