Trong 2 tháng đầu năm, thương mại giữa Trung Quốc và Nga tăng 36,4%

23:34 09/03/2023

Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác chủ chốt nhìn chung giảm trong hai tháng đầu năm, thì thương mại với Nga lại tăng mạnh 36,4%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo thông tin dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/3 cho thấy, tổng giá trị xuất nhập khẩu của nước này trong hai tháng đầu năm 2023 đạt gần 6.180 tỷ nhân dân tệ (gần 896 tỷ USD), giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tăng 0,9%, nhập khẩu giảm 2,9%. Nếu tính bằng đồng USD, mức giảm này còn lớn hơn, lên tới 8,3% tổng kim ngạch, trong đó xuất khẩu giảm 6,8%, nhập khẩu giảm 10,2%.

ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và cũng là đối tác duy nhất trong 4 đối tác hàng đầu của nước này có kim ngạch thương mại tăng trưởng dương, đạt gần 952 tỷ nhân dân tệ (hơn 138 tỷ USD), tăng 9,6%, chiếm tỷ trọng 15,4% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Xuất siêu của nước này sang ASEAN tăng tới 91,6%. Việt Nam tiếp tục là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, với kim ngạch đạt 208 tỷ nhân dân tệ (hơn 30 tỷ USD), tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ.

Ba đối tác thương mại lớn tiếp theo của Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật đều ghi nhận kim ngạch tăng trưởng âm, với mức giảm lần lượt là 2,6%; 10,6% và 5,7%.

Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác chủ chốt chỉ tăng vừa phải thậm chí giảm, giao thương giữa nước này với Nga lại tăng mạnh tới 36,4%; đạt 232,5 tỷ nhân dân tệ (gần 33,7 tỷ USD). Mức tăng này cao hơn 34,3% của năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 29,9%; nhập khẩu từ Nga tăng vọt 42,1%.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế khu vực Trung Quốc – Nga đương đại của tỉnh Hắc Long Giang, miền Đông Bắc Trung Quốc, trong một chia sẻ cho biết, trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng lên Nga, nước này đã đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm năng lượng, như khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và than đá cũng như các sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc. Điều này đã đẩy cao tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc với Nga. Trong khi đó, hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, như sản phẩm điện tử, linh kiện hàng không vũ trụ và phương tiện năng lượng mới rất phổ biến ở thị trường Nga.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh hai nước tiến hành hợp tác kinh tế và thương mại bình thường trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, không nhằm vào bên thứ ba và không chịu sự can thiệp từ bên ngoài. Năm 2019, Trung Quốc và Nga đã đặt mục tiêu thương mại song phương đạt 200 tỷ USD vào năm 2024.

Ngọc Phi (TH)