Tỉnh Phú Thọ thúc đẩy đưa công nghệ số, dữ liệu số vào sản xuất kinh doanh

12:20 14/06/2022

Hưởng ứng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ đã có những cách thức thực hiện phù hợp nhằm đưa công nghệ số, dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

 

Trao đổi giải pháp ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ phần mềm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở Công ty TNHH JNTC Vina - Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì.
Trao đổi giải pháp ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ phần mềm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở Công ty TNHH JNTC Vina - Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì.

Qua đánh giá thực tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho thấy, bước đầu chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực, giúp thay đổi nhận thức, kỹ năng, tác phong làm việc của người dân, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Năng suất, hiệu quả công việc được nâng lên, tiết kiệm kinh phí trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhất quán, thống nhất, quyết liệt; từng nhiệm vụ được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phát huy hiệu quả, tác động sâu rộng đến doanh nghiệp, người dân trong toàn tỉnh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh trong các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX..

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, các ngành, các cấp bám sát chỉ đạo của tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) cho doanh nghiệp, người dân; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn sâu về quản lý TMĐT cho các cơ quan, đơn vị; vận động doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời hỗ trợ ứng dụng 135.000 tem điện tử cho 18 doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh; hỗ trợ xây dựng năm bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, HTX giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và giao dịch kinh doanh trên Internet... Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh được duy trì ổn định, tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động thương mại của tỉnh hội nhập trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các hoạt động đảm bảo kỹ thuật, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia và đăng thông tin, sản phẩm lên Sàn được chú trọng, số gian hàng tăng lên 277 gian với 912 sản phẩm dịch vụ.

Ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Sở TT&TT đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh để chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng thanh toán trực tuyến như VNPT-Pay, Viettel Pay, Mobile money… Hiện đã có trên 6.100 tổ chức, doanh nghiệp; trên 1.100 hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn điện tử. Công tác tuyên truyền, quảng bá thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và Cổng thông tin điện tử của tỉnh được tăng cường. Các bộ phận chuyên môn của Sở thường xuyên phối hợp, hỗ trợ các nhà cung cấp, nhà sản xuất, các hợp tác làng nghề, trang trại… giới thiệu các sản phẩm OCOP đưa lên sàn thương mại điện tử như: Sàn Postmart.vn (VNPost), sàn Voso.vn (Vie Post), sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ đã thu hút hàng triệu lượt truy cập.

Cùng với Sở TT&TT, các sở ngành trong tỉnh căn cứ vào thực tế từng lĩnh vực, có cách làm cụ thể, phù hợp, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Điển hình như trong lĩnh vực tài chính, các cơ quan: Thuế, Hải quan, Kho bạc, Bảo hiểm… đã tích cực chuyển sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số, đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động chuyên môn như: Thuế điện tử, hải quan điện tử, kho bạc số, bảo hiểm điện tử… Ở lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã hoàn thiện chuyển đổi số hệ thống đăng ký kinh doanh qua mạng; đảm bảo kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã và đang xây dựng, cập nhật hệ thống môi trường, khoáng sản, đất đai; phát triển hệ thống tiếp nhận, phân tích, cảnh báo về dữ liệu quan trắc môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dân cư; triển khai hệ thống giám sát khoáng sản bằng công nghệ thông minh. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai phần mềm Agritech để thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý sản xuất, quản lý các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

PV