Tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ bằng 1/2 Trung Quốc

15:44 06/07/2021

Tỷ lệ của Trung Quốc khoảng 70%, tỷ lệ của Thái Lan 60% và tỷ lệ của Việt Nam là 37%. Con số này cho thấy, doanh nghiệp phụ thuộc vào việc nhập khẩu trên 60%. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn đối với lĩnh vực chế tạo. Ông Keisuke Kobayashi, Phó trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) Văn phòng đại diện tại Hà Nội, cho biết.

Tỷ lệ của Trung Quốc khoảng 70%, tỷ lệ của Thái Lan 60% và tỷ lệ của Việt Nam là 37%
Tỷ lệ của Trung Quốc khoảng 70%, tỷ lệ của Thái Lan 60% và tỷ lệ của Việt Nam là 37%. 

Đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn nâng cao hơn nữa hoạt động nội địa hoá tại Việt Nam.

Nếu nhìn ở góc độ thương mại của Việt Nam, đại diện Jetro cho rằng, tỷ trọng tính theo quốc gia và khu vực thì Việt Nam nhập khẩu từ các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và xuất khẩu đi thị trường thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản.

Còn xét về tỷ trọng tính theo mặt hàng, Việt Nam giảm xuất khẩu dầu thô, các loại thuỷ sản, đồ nội thất và tăng xuất khẩu thiết bị điện như điện thoại di động, linh kiện, máy móc thông thường như máy tính, máy in.

Thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản cũng có xu hướng tương tự. Việt Nam giảm xuất khẩu dầu thô, các loại thuỷ sản và tăng xuất khẩu thiết bị điện như cụm dây dẫn điện, điện thoại di động, may mặc.

“Có thể thấy số lượng mặt hàng được Việt Nam sản xuất gia công theo hình thức phân công lao động quốc tế đang ngày càng tăng. Cùng với sự phát triển của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả công ty Nhật Bản…) tại thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực như: smartphone, máy in, ô tô… chứng tỏ Việt Nam đang được đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Keisuke Kobayashi đánh giá.

Ngoài ra, với việc xuất khẩu sản phẩm cuối cùng đã hoàn thiện như: điện thoại di động, máy in, hàng may mặc thì việc xuất khẩu các linh kiện, phụ tùng liên quan cũng đang dần tăng lên. Điều này khẳng định, các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng của Việt Nam đang dần được tích luỹ năng lực sản xuất.

Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn còn thấp và sự tập trung (tích luỹ) của các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng là chưa đủ. Do đó, để các nhà sản xuất linh kiện có thể tích luỹ hơn nữa trong tương lai hay nói cách khác, một trong những việc quan trọng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là cải thiện doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (nơi có ít nhân sự hơn các doanh nghiệp lớn) trong lĩnh vực này có thể kinh doanh thuận lợi, theo ông Keisuke Kobayashi, điều quan trọng là nâng cao tính minh bạch, sự rõ ràng của hệ thống các quy định khác nhau liên quan đến đầu tư, thương mại, hành chính nhân sự và lao động.

PV