Thừa Thiên Huế phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn

10:12 13/07/2021

Đây là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu, định hướng tại Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Với gần 1000 di tích bao gồm di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận nên hằng năm thu hút đông đảo lượng khách du lịch.

Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế trên toàn cầu, ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng trở lại, năm 2025, du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng; GRDP ngành du lịch đóng góp khoảng 14% so với GRDP của tỉnh (92.000 - 95.000 tỷ đồng); thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/ lượt khách. Lao động trong ngành khoảng 80.000 lao động, chiếm 13% của tỉnh (hơn 600.000 lao động).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Đến năm 2025, số khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao là 10 cơ sở và năm 2030 con số này khoảng 15 đơn vị, trong đó sẽ có một số khách sạn có thương hiệu quốc tế. Chậm nhất là vào năm 2025, khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương sẽ là khu du lịch quốc gia đầu tiên của tỉnh được công nhận và năm 2030 sẽ có thêm khu du lịch quốc gia Thanh Tân. Ngoài ra, sẽ kêu gọi đầu tư khoảng một hoặc hai khu vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô trên địa bàn tỉnh.

Tại Quyết định, UBND tỉnh cũng đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thành ngành kinh tế mũi nhọn như: Tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và quản lý nhà nước về phát triển du lịch; Đổi mới nhận thức, thay đổi tư duy về phát triển du lịch; Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch, ưu tiên hạ tầng phát triển du lịch thông minh và bền vững; Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ lực, đặc thù mang bản sắc Huế; Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực du lịch; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển du lịch.

 PV