Thủ tướng yêu cầu tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

14:15 19/11/2021

Không chỉ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu DNNVV chủ động tạo lợi thế, vượt qua tác động của dịch Covid-19.

Nhiều giải pháp sẽ được triển khai

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, theo đó, đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành nhằm thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn của dịch Covid-19.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ, thực hiện tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ DNNVV vào thời điểm thích hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật. Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; đảm bảo đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai trên thực tế.

Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đề ra, đẩy nhanh triển khai thực hiện kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực đã được phê duyệt để DNNVV tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đẩy nhanh xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia để sớm hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, sớm hoàn thiện, khai thác hiệu quả Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp để tổng hợp, chia sẻ miễn phí thông tin về các chương trình, chính sách, mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ DNNVV, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng, khoa học.

Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm đảm bảo đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai trên thực tế. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện bộ máy, tăng cường năng lực tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương để đảm bảo hoạt động bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo quy định của Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tiếp tục có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay DNNVV, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận tín dụng... 

  Ảnh minh họa

Địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực

Nhằm thúc đẩy Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch thời kỳ 2021-2030 bao gồm quy hoạch tỉnh, thành phố để kịp thời bố trí quỹ đất cho sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu các bộ chưa hình thành mạng lưới tư vấn viên của ngành khẩn trương ban hành tiêu chí và xây dựng mạng lưới tư vấn viên để hỗ trợ DNNVV theo lĩnh vực phụ trách, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ DNNVV trong các chương trình, đề án phát triển ngành.

Đặc biệt, các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung, chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV đã được phê duyệt theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV. Đổi mới mô hình hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV; nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường phối hợp với các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ DNNVV phát triển hiệu quả, bền vững.

Cùng với việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, Chính phủ cũng yêu cầu DNNVV chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, hiệp hội và địa phương để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, trình độ quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn, đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tích cực tham gia các Hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của nhà nước và các tổ chức tín dụng, chủ động tìm hiểu, tham gia các khóa đào tạo, tập huấn để nắm bắt thông tin, tận dụng tối đa các lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP, RCEP… để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo ghi nhận của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 10 tháng đầu năm 2021, cả nước có 97.089 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,5% so với năm 2020. Con số này còn cao hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng với 93.716 doanh nghiệp.

Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng có 44.121 doanh nghiệp, chiếm 91,0% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; quy mô từ 10-20 tỷ đồng có 2.394 doanh nghiệp, chiếm 4,9%; từ 20-50 tỷ đồng có 1.296 doanh nghiệp, chiếm 2,7%... điều đó càng cho thấy, khu vực DNNVV đang đối mặt với rất nhiều khó khăn sau gần 2 năm chống chọi với dịch Covid-19.

PV (t/h).