Thủ tướng: Thực hiện tốt phương châm "đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển"...

07:15 08/01/2021

Thủ tướng đề nghị ngành Công thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020, tổ chức thực hiện tốt phương châm "đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển" để vươn lên mạnh mẽ.

Xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị tổng kết ngành Công thương năm 2020 diễn ra mới đây đã đánh giá năm 2020 là năm với nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Ngay từ đầu năm, Đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng ra hầu hết các nước trên thế giới, diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, hiện vẫn đang tiếp tục lây lan ở nhiều nơi. Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng với đó dịch tả lợn Châu Phi, thiên tai, hạn hán, bão lũ, sạt lở đất... liên tiếp xảy ra, nhất là trong những tháng cuối năm ở miền Trung làm cho khó khăn chồng chất khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên, nhờ đó chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. 

Tóm tắt một số thành tựu nổi bật, Thủ tướng cho biết trong năm 2020, Việt Nam vẫn nỗ lực, thành công "mục tiêu kép", vừa phòng chống Đại dịch Covid 19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, GDP tăng 2,91%, là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người

Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng, ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo thống kê, có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD.

Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng và các kết quả năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế.

Việt Nam cũng đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp.

Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD
Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD.

Về vấn đề thương mại với Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thông điệp: "Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại".

Chưa tạo được sản phẩm mang tính quốc gia

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 để có các biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề như: sản xuất công nghiệp còn yếu và thiếu ngành công nghiệp mũi nghọn. Còn nhiều ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, vốn, năng lượng… Nhiều sản phẩm công nghệ cao được sản xuất, nhưng phần đóng góp của Việt Nam trong giá trị còn thấp. Doanh nghiệp Việt Nam còn ở mắt xích thấp trong chuỗi giá trị, sức cạnh tranh chưa cao.

Ở nhiều địa phương, các ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống suy yếu, nhiều nơi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, giải quyết khó khăn trong tương lai. Nhiều công trình của các tập đoàn, tổng công ty chưa được khởi công.

Thủ tướng lưu ý hiện chưa có chiến lược quốc gia đưa hàng nông thôn đến thành thị, hàng Việt trong siêu thị còn lép vế hàng nhập khẩu.
Thủ tướng cho rằng hàng Việt trong siêu thị hiện còn lép vế hàng nhập khẩu.

Với thương mại, Thủ tướng lưu ý xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập khẩu còn lớn, chưa chủ động nguyên phụ liệu trong nước. Doanh nghiệp trong nước còn nhập siêu nhiều, hàng hóa mới chỉ ở phân khúc thấp, giá trị gia tăng chưa cao, bình dân. Nhiều quốc sản Việt Nam chưa hiện diện trên thế giới, chưa gắn với sinh kế người dân.

Thủ tướng ví dụ sâm ngọc linh của Việt Nam có giá trị không kém các loại sâm trên thế giới, nhưng hầu như chưa được biết tới rộng rãi, chưa tạo ra sản phẩm mang tính quốc gia.

Thị trường 100 triệu dân vẫn chưa phát huy tốt, còn tình trạng gian lận thương mại, hàng giả còn phổ biến. Thủ tướng lưu ý hiện chưa có chiến lược quốc gia đưa hàng nông thôn đến thành thị, hàng Việt trong siêu thị còn lép vế hàng nhập khẩu.

Tiếp tục phát huy "cỗ xe tam mã" trong năm 2021 

Thủ tướng lưu ý năm 2021 là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường: Đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh dự kiến vẫn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, bối cảnh đó đặt ra nhiều yêu cầu và đòi hỏi mới cho ngành công thương.

Thủ tướng lưu ý ngành cần có hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, theo hướng tăng năng suất, sức cạnh tranh, tạo đòn bẩy kinh tế.

Cần nâng cao năng suất nội ngành, giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên. Người đứng đầu Chính phủ mong muốn Bộ Công Thương chú trọng việc chuyển sang ngành công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, khoa học công nghệ.

“Nhiều tài nguyên là rất quan trọng, nhưng cần lấy khoa học công nghệ là động lực”, Thủ tướng nói.

Ngành cũng phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy xuất khẩu, chú trọng thị trường trong nước, kiểm soát hàng giả, hàng nhái, dự báo cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư.

Để "cỗ xe tam mã" này tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn, Thủ tướng đề nghị ngành công thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020, tổ chức thực hiện tốt phương châm "đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển" để vươn lên mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.

Bảo Trinh