Thọ Xuân: Phấn đấu trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa

14:29 06/01/2021

Thời gian tới, để cùng với tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của cả nước về du lịch như Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đề ra, huyện Thọ Xuân đã coi việc phát triển du lịch là 1 trong 4 chương trình trọng tâm.

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hằng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch tại quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hằng năm vào ngày 22 tháng 8 Âm lịch tại quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Đang trên đà phát triển

Được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, vùng đất “hai vua” (nơi phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê), huyện Thọ Xuân có nhiều lợi thế để giao thương, kết nối kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Đây là huyện trung tâm, cầu nối giữa vùng đồng bằng, trung du và miền núi của tỉnh, có đường Hồ Chí Minh chạy qua, có tuyến đường từ KKT Nghi Sơn về Cảng hàng không Thọ Xuân, KCN Công nghệ cao Lam Sơn - Sao vàng.

Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi, huyện Thọ Xuân còn là nơi có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh. Phương châm huyện đề ra là phát triển du lịch phải gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa của huyện Thọ Xuân đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhất là di tích tâm linh, di tích cách mạng, các lễ hội, trò diễn phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và thu hút khách du lịch. Trên địa bàn huyện có tới hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 6 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích Lam Kinh và di tích Đền thờ Lê Hoàn); 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh và hai danh lam thắng cảnh như núi Mục Sơn, đập Bái Thượng. Ngoài ra, di sản phi vật thể cũng phong phú và đa dạng với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, Ca Trù, bánh gai Tứ Trụ. Trò Xuân Phả (Xuân Trường) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Có thể khẳng định so với nhiều nơi trong tỉnh Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân là số ít những địa phương còn duy trì được nhiều lễ hội truyền thống. Các lễ hội đều gắn với các nhân vật lịch sử được thờ tại các di tích. Hằng năm, các lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn nét văn hóa của địa phương, đồng thời tôn vinh công lao của các nhân vật lịch sử, tuyên truyền giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước, phát huy giá trị của di tích góp phần thu hút con em quê hương, Nhân dân và du khách trên khắp mọi miền tổ quốc về dâng hương, tìm hiểu lịch sử.

Tiêu biểu nhất là Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 Âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh- nơi an táng vua Lê Thái Tổ. Lễ hội nhằm tôn vinh công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khắc ghi công lao của các bậc tiền nhân. Đây là lễ hội tâm linh nổi tiếng cả nước.

Bên cạnh đó, huyện Thọ Xuân còn có đền thờ Lê Hoàn xã Xuân Lập nổi tiếng linh thiêng, là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân gần xa. Năm 2019, Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và đón nhận quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh.  Khu Di tích này là một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự, tưởng nhớ liên quan đến Lê Hoàn và những bậc sinh thành nuôi dưỡng ông.

Xung quanh khu di tích này có rất nhiều những sản vật của địa phương. Ông Phạm Văn Luận, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lập chia sẻ: Trước kia, bà con trong vùng thường làm những sản vật bằng đôi tay khéo léo của mình để dâng lên vua Lê Hoàn như cốm, bánh chưng nung, bánh răng bừa, xôi nén... và cho đến ngày nay, dân địa phương vẫn giữ được truyền thống làm những món ăn ấy, đặc biệt là bánh chưng nung và bánh răng bừa. Khách đến đây du lịch rất thích mua những loại bánh này về làm quà, đặc biệt là bánh răng bừa.

Không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử văn hóa tâm linh, những năm gần đây huyện Thọ Xuân còn tập trung phát triển các làng nghề truyền thống, với các sản phẩm nổi tiếng: Bánh gai Tứ Trụ; bánh lá răng bừa Xuân Lập; kẹo lạc Xuân Yên,.... Việc xây dựng thương hiệu tập thể cho các đặc sản địa phương, huyện cũng đã bước đầu hình thành nên các tour du lịch làng nghề và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ du khách thập phương. Các làng nghề không chỉ tập trung sản xuất nâng cao thu nhập, bảo tồn các giá trị nghề truyền thống mà còn từng bước làm du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Các sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương vừa giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và vừa là những món quà đầy ý nghĩa, được du khách gần xa yêu thích.

Với tiềm năng du lịch đặc sắc mang tính đặc thù về văn hóa, huyện Thọ Xuân có thế mạnh nổi trội trong phát triển du lịch văn hóa – lịch sử. Nhận thức được những tiềm năng và lợi thế về du lịch, trong những năm qua, Thọ Xuân đã chú trọng phát triển du lịch, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo được hình ảnh của một vùng quê năng động, giàu bản sắc và thân thiện.

Bằng chứng là lượng khách về với Thọ Xuân ngày càng tăng. Nếu năm 2015 đón được 80.000 lượt khách thì năm 2018 lên 275.170 lượt khách, tăng 3,2 lần và chiếm hơn 3,3% tổng số khách du lịch của tỉnh trong năm này. Nguồn thu du lịch từ đó tăng lên đáng kể, mỗi năm đạt từ 6 - 8 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch Covid - 19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch, Thanh Hóa đã khống chế được dịch bệnh, các lĩnh vực, ngành nghề dần phục hồi, khởi sắc. Tại huyện Thọ Xuân, các hoạt động du lịch tại các điểm tham quan đã đón khách trở lại, đặc biệt là lễ hội Lam Kinh và Lê Hoàn..

Phát huy những tiềm năng và lợi thế, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân đang tập trungthúc đẩy công tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, truyền thống lịch sử văn hóa, con người Thọ Xuân phấn đấu xây dựngThọ Xuân trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa

Để thành “trọng điểm”

Trong những năm qua, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn huyện Thọ Xuân đã được quản lý tốt. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác bảo tồn các di tích, danh thắng đã được nâng lên. Huyện đã thành lập Ban quản lý di tích cấp huyện, đào tạo, tuyển chọn đội ngũ cán bộ năng lực có hiểu biết về các đặc trưng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh làm công tác du lịch.

Bên cạnh đó du lịch đã được quảng bá bằng cách đầu tư những chương trình quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi,… và những gian hàng chợ quê truyền thống, những phòng trưng bày triển lãm.

Ngoài ra, chính quyền địa phương huyện Thọ Xuân cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho du lịch (hệ thống đường giao thông, khách sạn, nhà nghỉ và những dịch vụ kèm theo như ăn, ở, đi lại, đồ lưu niệm.

Nhằm khơi dậy và phát huy lợi thế phong phú đa dạng các nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn đồng thời tập trung tôn tạo, bảo tồn các di tích di sản văn hóa, khôi phục nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống, trò chơi trò diễn dân gian đặc sắc, vừa qua huyện Thọ Xuân tổ chức hội nghị về Chương trình phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2021-2025.

Chương trình phát triển du lịch đã xác định được tiềm năng, lợi thế và định hình các loại hình sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng. Qua đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch của huyện trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Công tác quản lý nhà nước về di sản, du lịch được tăng cường; hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch được đẩy mạnh,...góp phần giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Thọ Xuân, thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

 

Lễ hội Lê Hoàn được tổ chức  tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Lê HoànLễ hội Lê Hoàn với nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc.

Mặc dù du lịch Thọ Xuân thời gian qua đã có những thành quả nhất định, song kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, tầm vóc, giá trị của hệ thống di tích, di sản văn hóa của huyện. Hơn nữa phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản còn nhiều hạn chế; hạ tầng du lịch còn nhiều bất cập, các sản phẩm du lịch thiếu tính đặc trưng và khả năng cạnh tranh. Vì thế mà lượng khách du lịch, thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách khi đến du lịch Thọ Xuân còn thấp.

Để trở đưa ngành công nghiệp không khói phát triển ở vùng đất lịch sử Thọ Xuân, chính quyền huyện đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch, giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch Thọ Xuân đón trên 428.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8%/năm, trong đó có 28.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 100 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,4%/năm; phục vụ 63.240 ngày khách; giải quyết việc làm cho khoảng 1.080 lao động; có 40 cơ sở lưu trú với khoảng 400 phòng, trong đó có 200 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1-3 sao.

Để đạt được mục tiêu trên, chính quyên huyện Thọ Xuân đã đề ra các  giải pháp thực hiện như: Tăng cường việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng các di tích lịch sử, điểm du lịch; khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến, kết nối các tuor, tuyến du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa, phát triển du lịch; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đề án thuộc chương trình phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân.

Xác định du lịch là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và trở thành một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ... huyện Thọ Xuân rất khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di tích, mua di vật, cổ vật hiến tặng nhà trưng bày di tích, tài trợ cho những chương trình nghiên cứu, các hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử, về di tích... Thông qua đó nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.      

Thọ Xuân đang là huyện tốp đầu của cả tỉnh về phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp mới và thu hút đầu tư. Hy vọng rằng với những tiềm năng, lợi thế và những chiến lược phát triển du lịch đúng đắn Thọ Xuân sẽ đưa ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện và trở thành điểm hẹn văn hóa, du lịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian tới để du lịch Thọ Xuân vươn lên xứng đáng ngang tầm với các địa phương trong và ngoài tỉnh, rất cần có sự quan tâm mạnh mẽ của Trung ương, các Bộ, Ngành và tỉnh Thanh Hóa.

Minh Hiền