Những câu hỏi ngành điện phải trả lời. Bài VII: Thiếu điện do vận hành hệ thống mất cân đối, trách nhiệm thuộc về EVN

05:14 13/07/2023

Kết luận thanh tra Bộ Công thương nêu rõ: EVN chậm đầu tư nguồn, lưới điện; điều độ hệ thống mất cân đối, dẫn tới thiếu điện. Sâu hơn, còn có trách nhiệm của Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, không làm tròn vai trò tổng quản.

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN. Ảnh: TTXVN

Ngày 10-7, Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra về quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan. Đây là cuộc thanh tra được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng, trong bối cảnh thiếu điện gay gắt, phải cắt điện luân phiên ở miền Bắc từ tháng 5. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương tổ chức thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1-1-2021 đến ngày 1-6-2023 và phải hoàn thành trước 10-6. Yêu cầu của Thủ tướng với Bộ Công thương là phải rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện, khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định.

Trách nhiệm thuộc về EVN

Theo kết luận thanh tra, nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là ở miền Bắc đã được cảnh báo ra cách đây vài năm khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, trong khi các nguồn điện bổ sung chậm đưa vào vận hành. Giai đoạn 2021-2023, EVN chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện, cũng như chậm khắc phục sự cố tổ máy một số nhà máy nhiệt điện, làm giảm khả năng cung cấp điện, dẫn đến bị động về nguồn điện, thiếu dự phòng an ninh năng lượng.

Thanh tra cũng chỉ ra EVN không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện, làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng. Đặc biệt công tác điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các nguồn điện tại nhiều thời điểm. EVN cũng bị quy trách nhiệm để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6-2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất-kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.

Với những vi phạm này, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý hoặc kiến nghị xử lý với Hội đồng thành viên EVN, các cá nhân có liên quan.

Hiện nay, EVN và các tổng công ty phát điện thuộc EVN nắm hơn 38% nguồn điện, còn lại là các nguồn của Tập đoàn Than - khoáng sản (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các nhà máy BOT, điện tái tạo của tư nhân. Vì vậy, kết luận thanh tra cũng yêu cầu TKV, PVN kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý tập thể, cá nhân liên quan tới việc cung ứng than và khí cho sản xuất điện. Thanh tra yêu cầu các đơn vị này cần có biện pháp quản lý, điều hành cung cấp điện và chủ động khắc phục các tồn tại, không để tình trạng thiếu, cắt điện tái diễn thời gian tới.

Lỗ hổng về vận hành, điều độ

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, Hà Nội và nhiều địa phương tại miền Bắc, Bắc Trung bộ trải qua những ngày thiếu điện rất nghiêm trọng. Thủy điện - nguồn cung điện chính cho miền Bắc, cạn nước vì hạn hán. Còn nhiệt điện, một số tổ máy gặp sự cố kéo dài với công suất không huy động được lên đến khoảng 2.100 MW.

Tình trạng thiếu điện đã khiến cộng đồng DN, các hiệp hội bày tỏ lo ngại. Đầu tháng 6, nhiều DN có nhà máy tại khu công nghiệp của Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang cho biết đã bị cắt điện nhiều giờ, liên tục trong tuần, gây khó khăn trong công tác sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023, các DN châu Âu phản ánh việc sản xuất khó khăn do thiếu điện. Có khoảng 60% số DN cho rằng thiếu điện tạo ra một số thách thức với họ; có khoảng 10% DN cho rằng bị tác động nghiêm trọng.

EVN cho biết sẽ kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục. EVN cũng đang tính toán, phân tích kịch bản và nghiên cứu giải pháp để thực hiện tốt hơn cung ứng điện các năm tới.

Rõ ràng trách nhiệm thiếu điện là của EVN nói chung nhưng trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0). Đó cũng là lý do ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0 bị đình chỉ chức vụ từ 14-6 để phục vụ thanh tra việc cung ứng điện.

Được biết A0 đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác tính toán, dự báo nhu cầu; huy động các tổ máy; điều tiết, điều độ, vận hành hệ thống điện; điều hành thị trường điện. Công ty Mua bán điện (EVNEPTC), Ban quản lý các dự án điện 1, 2, 3, Trung tâm dịch vụ sửa chữa (EVNPSC) và các công ty, nhà máy điện trực thuộc EVN cũng được yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan... Theo quy định của pháp luật, EVN là đơn vị cao nhất quản lý hệ thống điện quốc gia, để xảy ra tình trạng thiếu điện, EVN phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Trong đó trách nhiệm của A0 vẫn lớn nhất khi là đơn vị trực tiếp vận hành hệ thống điện. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của A0, khi có trong tay những chuyên gia điện giỏi nhất, lương cao nhất, với nhiệm vụ được giao là vận hành hệ thống điện ổn định, không để xảy ra các sự cố điện.

Với nhiệm vụ vận hành hệ thống điện, thị trường điện quốc gia, A0 phải dự báo trước những khó khăn về điều kiện thời tiết, nguyên vật liệu đầu vào, nguồn cung, để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục, không để xảy ra tình trạng thiếu điện. Nhưng rõ ràng A0 đã không làm được những nhiệm vụ rất quan trọng này khi thời gian qua đã để xảy ra việc thiếu điện. Điều đó chứng tỏ A0 đã không dự báo được, hoặc dự báo kém, để “nước đến chân mới nhảy”.

A0 dự báo kém, khi hoàn toàn có thể biết nhiều nhà máy thuỷ điện trên cả nước sẽ thiếu nước, về mực nước chết trong mùa khô nhưng lại không có các kịch bản chủ động để ứng phó để có biện pháp xử lý khủng hoảng.

Thủy điện thiếu nước, rồi các nhà máy nhiệt điện thiếu than. Trong khi đó nhiều nhà máy nhiệt điện lại sửa chữa, bảo dưỡng ngay trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” - mà công tác này hoàn toàn có thể dự báo được để xử lý, điều độ toàn hệ thống. Tất cả cho thấy năng lực quản lý của A0 không tốt. Nếu dự báo tốt, có kế hoạch từ trước sẽ không bị động như thời gian vừa qua, để thiếu điện nghiêm trọng như vậy.

Về việc thực hiện lộ trình thị trường bán buôn cạnh tranh theo Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 08-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay EVN đã làm đến đâu? Vẫn là sự độc quyền của ngành điện. Thực hiện thị trường điện cạnh tranh là phương sách để giải quyết nhiều vấn đề về vốn, giá, theo cơ chế thị trường mà nhiều quốc gia đã vận hành thị trường này hàng trăm năm nay. Không cạnh tranh thì dễ dẫn đến độc quyền. Như Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN gần như hoàn toàn quyết định giá điện bán buôn, bán lẻ. Đó là lý do hơn 4.600 MW điện sạch cứ treo hoài, rất khó khăn để lên lưới quốc gia.

Tất nhiên việc thiếu điện gay gắt, nhìn sâu hơn, còn có trách nhiệm của Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cũng rất lớn. Hai cơ quan này có vai trò chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc như Tập đoàn TKV, PVN phối hợp với nhau để đảm bảo đủ điện cho sản xuất.

Để thiếu điện, chứng tỏ các đơn vị này chưa sâu sát trong việc chỉ đạo, điều hành. Các chuyên gia ngành điện cho rằng cần xem xét trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN trong vai trò “tổng quản” đầu tư các dự án điện cũng như cách phối hợp giữa các tập đoàn nhà nước trong việc đảm bảo cung cấp điện; phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề về tài chính, nhân lực, chiến lược phát triển của EVN và các DN liên quan khác như TKV, PVN trong việc đầu tư dự án để không xảy ra tình trạng chậm tiến độ, dẫn đến thiếu điện, thiếu nguồn.

Ảnh minh họa

Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài có tính chất đặc biệt quan trọng, tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc. Ảnh: TTXVN

Chậm chạp trong thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài

Một khuyết điểm nghiêm trọng khác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN trong vai trò “tổng quản” đầu tư các dự án điện là thiếu cái nhìn chiến lược trong đầu tư truyền tải, dù trong nhiều cuộc hội thảo quốc tế về quản lý ngành điện, nhiều chuyên gia đã lên tiếng Việt Nam phải nhanh chóng hiện đại hóa ngành truyền tải. Lấy ví dụ, dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài được nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên). Đây là dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức 2.200MW lên khoảng 5.000MW. Dự án có chiều dài 514km, với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng, bao gồm: 4 cung đoạn Quảng Trạch-Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu-Thanh Hóa; Thanh Hóa-Nam Định 1; Nam Định 1-Phố Nối. Theo kế hoạch, năm 2025-2026 sẽ đưa dự án vào vận hành, là rất chậm, cho thấy dự báo của ngành điện thiếu chính xác, thiếu tầm nhìn xa.

Với tình hình căng thẳng điện tại miền Bắc, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, tới tháng 6-2024 phải hoàn thành để tăng cung ứng điện cho miền Bắc.

Vừa mới đây, khi “nước đến chân mới nhảy”, Bộ Công Thương mới chủ trì cuộc họp để bàn và thống nhất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài, đẩy nhanh tiến độ dự án, phải hoàn thành, đưa vào vận hành trong tháng 6-2024.

Việc chậm trễ triển khai dự án này chừng nào thì nguy cơ miền Bắc vẫn còn thiếu điện trong những năm tới là rất cao. Và còn nhiều vấn đề khác của ngành điện nữa, cần phải khắc phục ngay sau kết luận thanh tra này.

Việc chỉ rõ trách nhiệm thiếu điện trong thời gian qua, qua kết luận thanh tra của Bộ Công thương, cho thấy sự yếu kém của không chỉ của EVN, mà còn yếu kém của chính Bộ Công thương, của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Khi đã thấy được trách nhiệm của từng đơn vị, việc làm cấp bách hiện nay của ngành điện là khắc phục ngay những tồn tại, đừng để trước mắt đến mùa khô 2024 lại thiếu điện. Phải có biện pháp hiệu quả để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia về lâu dài, trong đó vai trò của A0 rất quan trọng, vì thế Bộ Nội vụ và Bộ Công thương đang tìm mô hình tốt nhất (không để tiếp tục trực thuộc EVN), để A0 hoạt động có hiệu quả nhất.

Lưu Vĩnh Hy