Thị trường thực phẩm chức năng Thái Lan tăng trưởng vượt bậc giữa "bão" Covid và già hóa dân số

14:52 21/12/2021

Nhiều tập đoàn tên tuổi của Thái Lan đang nhảy vào thị trường thực phẩm và đồ uống chăm sóc sức khỏe khi nhu cầu về ngành hàng thực phẩm chức năng tăng mạnh do ảnh hưởng bởi đại dịch và già hóa dân số.

Dòng sản phẩm mới ra mắt của True Corp
Dòng sản phẩm mới ra mắt của True Corp. 

Nhà khai thác viễn thông lớn thứ hai của Thái Lan, True Corp., đã tung ra dòng đồ uống True Vitamin Water hồi tháng trước, nhắm đến thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi, năng động. Trong khi đó, Grammy Entertainment ra mắt viên bổ sung thực phẩm Qi vào tháng 12 đồng thời tuyên bố sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch và năng lượng, đặc biệt đối với nhóm lao động trung niên. Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh nhà hàng và cà phê tại True Lifestyle Retail, Papon Rattanachaikanon chia sẻ: "Thương hiệu True nỗ lực phát triển các sản phẩm thuộc nhóm FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) trong hơn 15 năm qua. Năm nay, chúng tôi giới thiệu một loại đồ uống phù hợp với nhu cầu quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của khách hàng".

Thị trường thực phẩm chức năng của Thái Lan trị giá khoảng 87 tỷ baht (2,6 tỷ USD) trong năm 2021 và có xu hướng tăng trưởng 10% mỗi năm. Theo tổ chức tư vấn của ngân hàng TMB, TMB Analytics chỉ ra, thành công của năm nay cao hơn nhiều so với 60 tỷ bath năm 2020. Nhiều công ty phi thực phẩm bắt đầu đa dạng hóa thực phẩm và đồ uống chăm sóc sức khỏe sau khi nhận thấy nhu cầu của người dùng tăng cao. Dịch Covid-19 đã mở ra bối cảnh "bình thường mới" khuyến khích người dân nâng cao sức đề kháng và sử dụng các loại thực phẩm bổ trợ. 

Trước đó, Công ty Innobic thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí Thái Lan PTT Group bắt tay với Nove Foods để sản xuất thực phẩm có nguồn gốc protein. Một người chơi mới gia nhập khác là BBGI hoàn thiện một loại thực phẩm chức năng có tên B Nature + vào tháng 3. Thậm chí, nhà sản xuất thuốc trừ sâu Sherwood cũng không nằm ngoài cuộc chơi và đã đầu tư cho dòng nước tăng lực Super Fight. Phản ứng tích cực của doanh nghiệp phản ánh những cơ hội thị trường nhất định mà các tập đoàn lớn đang để mắt tới. Một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn cho biết: "Người dân Thái Lan ngày càng ưa chuộng thực phẩm chức năng không chỉ bởi vì nỗi lo Covid mà còn do chúng ta đang bước vào một xã hội già hóa. Số lượng người già trong nước tăng lên không ngừng kéo theo nhu cầu thực phẩm bổ sung để hỗ trợ sức khỏe cũng như thế hệ trẻ muốn tăng cường hệ miễn dịch ngay từ bây giờ".

Thật vậy, Thái Lan sắp trải qua giai đoạn già hóa dân số lớn nhất từ trước đến nay với số lượng người trên 60 tuổi chiếm 20% tổng dân số 69 triệu người vào năm 2022. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 28% vào năm 2033 đồng thời mang lại lợi thế cho thị trường thực phẩm và đồ uống chăm sóc sức khỏe phát triển song song. Trang web phân tích dữ liệu Suandusit Poll đã tiến hành một cuộc khảo sát vào tháng 9 quan sát quá trình thay đổi hành vi người dùng dưới tác động của đại dịch. Cuộc khảo sát cho thấy 51% người được hỏi giờ đây quan tâm hơn đến sức khỏe và muốn bổ sung vitamin và thực phẩm tăng cường. 

Hiện xứ sở Chùa Vàng ghi nhận 6.300 công ty đã đăng ký kinh doanh, sản xuất mặt hàng thực phẩm chức năng. Trong đó khoảng 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số ít còn lại là các tập đoàn lớn sở hữu dòng tiền dồi dào và đầu tư công nghệ cạnh tranh. Mặc dù thị trường được dự đoán sẽ phát triển nhanh chóng nhưng các nhà phân tích nhiều lần cảnh báo người chơi mới khó tránh khỏi rủi ro và thách thức khi phải liên tục điều chỉnh dựa trên hành vi người tiêu dùng luôn thay đổi. 

TL