Thị trường đưa khách ra nước ngoài sôi động dịp cuối năm

16:41 24/11/2022

So với thời điểm trước dịch, du lịch outbound (đưa khách ra nước ngoài) thông qua các công ty du lịch, lữ hành đã phục hồi 90%. Trong giai đoạn cuối năm, doanh nghiệp phải tăng cường tập trung kết nối với các đối tác, đại lý… từ các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu ngày tăng của du khách Việt.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các nước đã nới lỏng việc đi lại, các hãng hàng không tăng dần tuần suất các chuyến bay thì ngành du lịch sẽ phục hồi nhanh chóng. Đặc biệt, thời gian tới, nhu cầu du lịch nước ngoài được dự báo gia tăng, giúp các doanh nghiệp du lịch lấy lại được đà tăng trưởng. 

Tây Ban Nha với những kiến trúc cực kỳ độc đáo. Ảnh: Internet
Tây Ban Nha với những kiến trúc cực kỳ độc đáo. Ảnh: Internet.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, đối với du lịch outbound, đây là nội dung quan trọng trong công tác quản lý du lịch. Kinh nghiệm khi mở đường bay phải có đưa khách đi ra nước ngoài. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm như thế nào để cho người dân đi du lịch an toàn, văn minh, lành mạnh. Từ việc cung cấp thông tin, quản lý du lịch outbound để khách người Việt Nam đi du lịch được bảo đảm an toàn, bảo đảm về chất lượng dịch vụ du lịch… Đây là vấn đề lớn chúng ta cần phải tập trung để giải quyết nhằm phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân.

Tổ chức Du lịch thế giới coi du lịch là nhu cầu thường xuyên, là quyền của con người. Chúng ta vẫn thường nói du lịch là ngành "công nghiệp hạnh phúc", mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người trong mỗi chuyến đi, góp phần nâng cao hiểu biết, hữu nghị giữa các quốc gia cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; mang lại sức khỏe về thể chất và tinh thần cho du khách...

Trao đổi về vấn đề này PGS.TS Phạm Hồng Long-Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cùng quan điểm, du lịch outbound chứng minh nền kinh tế của một quốc gia ổn định từ gốc rễ, khi người dân đi du lịch nhiều chứng tỏ nền kinh tế nước đó phát triển.

Lượng đi du lịch outbound nhiều góp phần giúp kết nối mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, bởi nhiều người đi du lịch outbound dưới hình thức đi du lịch thương vụ nên khi trở về nước họ mang theo nhiều cơ hội đầu tư lớn hơn.

"Người dân đi du lịch nhiều thì dân trí và nhận thức cũng tăng hơn, giúp cho xã hội phát triển tốt hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh outbound sẽ củng cố thêm vị thế, hình ảnh cho du lịch Việt Nam và họ sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết.

Thị trường du lịch outbound tại Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhanh hơn dự kiến. Đây cũng là kết luận chính của báo cáo tóm tắt về "Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam 2022" được Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du lịch và khách sạn Outbox (Outbox Company) công bố ngày 21/11. Outbox Company cho biết, dù bị gián đoạn bởi đại dịch, nhu cầu kết nối lại của du khách Việt với thị trường du lịch nước ngoài không vì thế giảm đi mà hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn hậu Covid-19.

 

Bruges cổ kính, lãng mạn. Ảnh: Internet
Bruges cổ kính, lãng mạn. Ảnh: Internet.

Theo công ty lữ hành Vietravel, hoạt động đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài đã bật tăng trở lại, chiếm đến 60% tổng doanh thu trong 10 tháng. Trong đó, chính sách mở cửa sớm, kích cầu du lịch và visa thông thoáng… từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thu hút một lượng lớn du khách Việt. Sau thời gian "thăm dò" các điểm đi gần, du khách Việt dần mở rộng các khu vực xa hơn như: châu Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á…

Theo khảo sát, có 69,25% khách Việt được khảo sát coi việc du lịch nước ngoài là sở thích và hoạt động thường xuyên. 57% khách Việt cho biết họ phải đi du lịch sau thời gian bị kìm hãm vì giãn cách quá lâu. Bên cạnh đó, các dữ liệu đo lường mức độ hào hứng trở lại du lịch của người Việt thông qua mô hình Vietnam Travel Tracker do Outbox thực hiện đã chỉ ra rằng mức độ lo lắng về sự an toàn của điểm đến đã giảm dần theo thời gian. Cụ thể, tháng 10/2021, chỉ số này là 8,21 điểm (trên thang điểm 10) và chỉ sau 1 tháng, mức độ quan tâm tới sự an toàn đã giảm xuống còn 7,85 điểm và đạt 6,15 điểm vào tháng 5/2022.

Có 3 yếu tố chính tác động tới quyết định lựa chọn điểm đến ở nước ngoài của du khách Việt, đó là: Chi phí cho chuyến đi (49,6%), thông tin sẵn có về sự an toàn của điểm đến (44,6%) và sự phù hợp của điểm đến với sở thích cá nhân (41,8%). Đặc biệt, có tới 65% khách outbound Việt Nam chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi nước ngoài vào năm 2022 so với một chuyến đi tương tự trước đại dịch.

Tổng thể số lượng du lịch outbound tăng cao là tín hiệu đáng mừng, Tuy nhiên, một số công ty du lịch cho biết, việc đưa du khách ra nước ngoài cũng gặp một số vấn đề, có những công ty núp bóng công ty du lịch để đưa lao động Việt Nam đi rồi trốn ở lại làm việc trái phép ở nước ngoài theo hình thức du lịch làm ảnh hưởng đến uy tín của các công ty du lịch Việt Nam; việc bán giá tour cao không tương xứng với chất lượng của tour du lịch outbound; nhiều khách du lịch có hành vi ứng xử chưa văn minh ở nơi công cộng…

Để hoạt động du lịch outbound đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần có chế tài xử lý nghiêm tình trạng trục lợi du lịch để đưa người lao động ra nước ngoài trái phép; tăng cường tuyên truyền để du khách ứng xử văn minh, thanh lịch ở nơi công cộng, góp phần nâng cao hình ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, "Hiện nay, chưa có chương trình quản lý, chưa có bộ phận chuyên trách nào chăm lo du lịch outbound. Chúng ta cần phải làm nhưng chưa làm được. Lợi ích của du lịch outbound chưa được phân tích. Muốn trở thành cường quốc du lịch phải quan tâm và chăm lo được cho du lịch outbound”.

Theo ông Hà Văn Siêu, công tác quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương hay địa phương đều cần quan tâm quản lý đến du lịch outbound. Muốn phát triển du lịch bền vững, cần tiếp tục sửa luật để đưa nội dung du lịch outbound sâu hơn, đậm hơn để thấy tính toàn diện của du lịch. Qua đó cho thấy du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn mang tính xã hội, vừa phát triển du lịch để góp phần tăng trưởng kinh tế du lịch vừa đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

D.A (Tổng hợp)