Thị trường M&A nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư Trung Đông

09:39 13/09/2023

Peter Jädersten, người sáng lập Công ty tư vấn huy động vốn Jade Advisors, nói: “Bây giờ, mọi người đều muốn đến Trung Đông, giống như cơn sốt đào vàng ở Mỹ trước đây”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Với lượng tiền mặt lớn, các nước vùng Vịnh được ví như "ATM của thế giới", đóng vai trò chính trong các vụ mua bán sáp nhập (M&A) toàn cầu.

5 năm trước, sự kiện đầu tư được chính quyền Arab Saudi tổ chức với tên gọi "Sáng kiến Đầu tư Tương lai" được ví là "Davos trên sa mạc" vắng bóng các nhà đầu tư Mỹ. Các CEO của Phố Wall đã rút lui sau khi Mỹ cáo buộc nước này đứng sau cái chết của hai nhà báo nước họ.

Nhưng năm nay, Hội nghị Riyadh vào tháng tới do Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tổ chức dự kiến đông đến mức các CEO phải trả phí 15.000 USD mỗi người để được tham dự.

Giữa bối cảnh các định chế tài chính phương Tây đang chịu ảnh hưởng từ lãi suất tăng cao, dòng tiền đầu tư bị thu hẹp, những hoàng tộc ở khu vực Trung Đông nắm giữ nhiều tiền mặt trong tay, đã sẵn sàng đầu tư, nhằm tận dụng cơ hội để gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, cũng như bước vào trung tâm “sân khấu tài chính thế giới”. 

Do đó, các quỹ đầu tư quốc gia tại Trung Đông đang được xem như là “cây ATM” đối với các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ bất động sản của phương Tây, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn ở những khu vực khác.

Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) cũng nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ Trung Đông. Các thỏa thuận công bố gần đây bao gồm việc quỹ đầu tư Abu Dhabi ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) mua lại Công ty quản lý đầu tư Fortress (Mỹ) với giá hơn 2 tỉ đô la.  Quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia (PIF) mua đơn vị cho thuê máy bay của ngân hàng Standard Chartered với giá 700 triệu đô la.

Các công ty và quỹ nằm dưới quyền giám sát của Cố vấn an ninh quốc gia của UAE, Sheikh Tahnoun bin Zayed Al Nahyan, đang tìm cách thâu tóm Standard Chartered và ngân hàng đầu tư Lazard. Họ cũng đã đạt được các thỏa thuận gần đây để mua lại Circle Health Group, một trong những công ty điều hành bệnh viện lớn nhất của Anh, với giá 1,2 tỉ đô la và nắm quyền kiểm soát một phần đối với Grupo Nutresa, nhà sản xuất thực phẩm khổng lồ của Colombia.

Peter Jädersten, người sáng lập Công ty tư vấn huy động vốn Jade Advisors, nói: “Bây giờ, mọi người đều muốn đến Trung Đông, giống như cơn sốt đào vàng ở Mỹ trước đây”.

Theo đó, ngày càng có nhiều lãnh đạo đến từ Thung lũng Silicon và New York thường xuyên xuất hiện tại các khách sạn Trung Đông. Những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cũng dần chú ý đến dòng vốn “dồi dào” của Trung Đông, chẳng hạn như ông Sam Bankman Fried, cựu CEO FTX. 

Mặt khác, Hội nghị xúc tiến Đầu tư Tương lai được tổ chức tại thủ đô Riyadn diễn ra vào tháng tới, được kỳ vọng trở thành nam châm thu hút “những kẻ săn tiền”.

Sự thống trị mới của Vùng Vịnh thể hiện rõ nhất trong rót vốn vào các quỹ tư nhân. Số liệu của hai trong số các quỹ quốc gia lớn nhất khu vực này phản ánh điều đó. Tại Public Investment Fund (PIF) của Arab Saudi, các cam kết đối với "chứng khoán đầu tư" - một danh mục bao gồm các quỹ tư nhân - đã tăng lên 56 tỷ USD vào năm 2022, từ mức 33 tỷ USD một năm trước đó. Quỹ Mubadala của Abu Dhabi (UAE) báo cáo cam kết tăng vốn gấp đôi lên 18 tỷ USD vào năm 2022.

Lãnh đạo các công ty cổ phần tư nhân khổng lồ như TPG, KKR và Carlyle Group đánh giá sự quan tâm từ Trung Đông vẫn mạnh mẽ trong khi các khu vực khác trên thế giới suy giảm. Tại một hội nghị vào tháng 6, Harvey Schwartz, CEO Carlyle nói các nhà đầu tư Trung Đông "rất tiên phong, năng động".

Trong khi khu vực này tăng tốc, vốn từ các nhà đầu tư truyền thống phương Tây đã giảm. Lý do là mặt bằng lãi suất toàn cầu cao hơn đã gây ra tổn thất ở phần lớn danh mục đầu tư của họ - đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu.

Theo PitchBook, các nhà đầu tư đã rót 33 tỷ USD vào các quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Mỹ trong nửa đầu năm 2023, giảm mạnh so với 74 tỷ USD cùng kỳ năm 2021. Hoạt động huy động vốn toàn cầu cho tất cả các quỹ tư nhân cũng giảm 10% trong năm ngoái xuống còn 1,5 nghìn tỷ USD.

“Việc huy động vốn đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều trong 12 tháng qua”, Brenda Rainey, Phó Chủ tịch điều hành tại Bain & Co, cho biết.

Trong khi đó, giá năng lượng tăng cao khiến các quỹ tài sản liên quan đến dầu khí được rót thêm hàng chục tỷ USD. Thái tử Mohammed và các quan chức hàng đầu ở UAE cũng cố gắng bơm thêm tiền vào quỹ tài sản để thực hiện giao dịch và mở rộng ngành công nghiệp trong nước.

Theo các chuyên gia, quỹ vùng Vịnh đã thúc đẩy nhiều công ty mở văn phòng ngay trong khu vực để dễ dàng huy động vốn. BlackRock cho biết, sẽ thành lập một nhóm chuyên trách ở Riyadh nhằm thúc đẩy đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng  vùng Vịnh.

Millennium Management LLC, có trụ sở tại New York, đã thành lập văn phòng tại Dubai vào năm 2020. Tikehau Capital và Ardian của châu Âu cũng thành lập nhóm phụ trách tại Trung Đông và chiêu mộ nhiều nhân tài tại khu vực.

“Các mối quan hệ phải được xây dựng và điều đó không diễn ra trong một sớm một chiều”, Joseph Morris, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Newmark Group có trụ sở tại Mỹ, nói.

Minh Phương (t/h)