Thế vận hội cận kề, Trung Quốc còn duy trì Zero-Covid được bao lâu?

11:46 03/01/2022

Trong bối cảnh Bắc Kinh đơn phương độc mã theo đuổi con đường không khoan nhượng với Covid, giới quan sát toàn cầu đặt câu hỏi liệu chính sách này còn có thể kéo dài bao lâu khi Thế vận hội Mùa đông đang đến gần.

Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid dưới trời tuyết tại Tây An
Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid dưới trời tuyết tại Tây An. (Ảnh: Getty Images) 

Những ngày gần đây, nhiều cư dân tại các nơi bùng dịch như Tây An, Trung Quốc kêu trời vì dần cạn kiệt thực phẩm do họ bị cấm mua sắm tại các hàng tạp hóa như một phần đàn áp dịch bệnh tại khu vực này. Ở tỉnh Quảng Tây, những người vi phạm luật thậm chí bị nêu tên công khai. Trong khi phần còn lại của thế giới đang học hỏi và từ từ thích nghi để sống chung với Covid, giới chức Trung Quốc vẫn luôn theo đuổi một chính sách không tưởng: Bằng mọi giá dập dịch bất cứ khi nào vi rút bùng phát. Điển hình nhất là chỉ một trường hợp dương tính tại thị trấn biên giới cũng đủ để cơ quan chức năng phong tỏa toàn bộ hơn 200 nghìn dân cuối tháng trước.

Một điểm quyết liệt của Zero-Covid là đóng cửa biên giới. Rất ít người được phép nhập cảnh hoặc xuất cảnh ra khỏi Trung Quốc. Bất cứ ai về nước cũng phải cách ly và theo dõi ba tuần do chính phủ sắp xếp. Ngày nay, trên thế giới, không ít quốc gia đã mở cửa trở lại sau hơn một năm nỗ lực ngăn chặn. Có thể kể đến thành công tiêm chủng hàng loạt đã thuyết phục các quốc gia từng lựa chọn Zero-Covid như Úc, New Zealand, Singapore cởi mở hơn. Ấy vậy mà, bước sang năm 2022, Bắc Kinh vẫn đơn thương độc mã và ngày càng cô độc trên con đường thoát khỏi đại dịch.

Tuy vậy, một số nhà khoa học và quan chức cấp cao tại Trung Quốc từng bày tỏ chấp nhận rủi ro chính trị khi kêu gọi mở cửa trở lại, công nhận Covid là một căn bệnh đặc hữu. Gao Fu, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, gần đây đã gợi ý rằng, nước này có thể sẵn sàng giao thương khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 85%. Những người khác đã tham gia cùng các nhà khoa học ở nước ngoài, cảnh báo cho dù Bắc Kinh quyết liệt đến đâu cũng không đủ để ngăn chặn biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao. “Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn với Omicron và chính sách không Covid”, Tulio Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó với Dịch bệnh của Nam Phi, cho biết trên Twitter. Ông là thành viên nhóm các nhà khoa học đầu tiên thông báo về biến thể mới cho Tổ chức Y tế Thế giới: “Trung Quốc cần gia nhập với các nước còn lại thông qua chiến dịch giảm thiểu khả năng lây nhiễm. Nước này cũng không nên trừng phạt các quan chức y tế công cộng hoặc công dân, người nước ngoài có ý kiến khác biệt”.

Với tình hình trước mắt, dù bằng giá nào, Trung Quốc cũng sẽ hết sức kiểm soát vi rút trong phần lớn thời gian năm nay trước thềm hai sự kiện quan trọng và mang giá trị to lớn. Tháng sau, Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Đông. Tới mùa Thu, Đại hội Đảng lần thứ 20 được kỳ vọng gia hạn thời gian nắm quyền của ông Tập thêm 5 năm nữa. Hiển nhiên giới chức sẽ không muốn đặt Thế vận hội hay Đại hội Đảng vào tình trạng nguy hiểm bùng phát dịch bệnh Covid.

Sean Yuji Sylvia, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill, nghiên cứu tập trung vào kinh tế y tế và sức khỏe của Trung Quốc, chỉ ra rủi ro về sức khỏe khi Trung Quốc tiếp cận trở lại với Covid cao hơn các nước theo đuổi sống chung với dịch. Sylvia nói: “Trung Quốc duy trì các biện pháp trong thời điểm này là hợp lý. Nước này có mật độ dân số cao, khả năng miễn dịch công đồng thấp hơn do hạn chế tiếp xúc với vi rút và vắc xin kém hiệu quả. Hệ thống y tế dễ bị quá tải. Ngay cả khi vắc xin có thể chống lại bệnh nặng nhưng không loại trừ khả năng bệnh nhân mắc triệu chứng nhẹ hơn phải nhập viện”.

Từ bỏ Zero-Covid hoàn toàn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng bệnh viên và chăm sóc sức khỏe. Những tuần đầu tiên của đại dịch, bệnh viện ở Vũ Hán quá tải, số người chết đếm không xuể làm dấy lên cơn thịnh nộ và sợ hãi trên toàn quốc. “Chính sách zero-Covid của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi các mối quan tâm về ổn định xã hội. Chế độ coi Covid, Sars và các bệnh dịch hoặc đại dịch khác là một cuộc khủng hoảng sức khỏe có khả năng tiến triển thành một cuộc khủng hoảng xã hội”, Lynette Ong, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, cho hay. “Với suy nghĩ đó, không khó hiểu tại sao họ sẵn sàng bảo vệ bằng mọi giá, kể cả chi phí cao. Khi phần còn lại của thế giới học cách sống chung với dịch, Trung Quốc sẽ thấy mình đơn độc với ít cơ chế đối phó hơn”. Giới quan sát quốc tế đang theo dõi liệu nước này có thay đổi cách tiếp cận sau Đại hội Đảng hay không.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc cho đến thời điểm hiện tại. Trong bốn tuần qua, khi Trung Quốc đang chiến đấu với ổ dịch tương đối lớn, các nhà chức trách đã phát hiện 3.400 trường hợp nhưng không có ai tử vong. So sánh với hơn 5,7 triệu người mắc ở Hoa Kỳ trong cùng thời gian, có đến 36 nghìn người chết. Và khi các nền kinh tế khác sụp đổ dưới áp lực của sự chết chóc và đóng cửa, Trung Quốc tiếp tục phát triển. Nhưng nếu con đường này tiếp tục khác biệt với phần còn lại của thế giới đồng nghĩa với chi phí và thách thức của chính sách zero-Covid chắc chắn sẽ tăng lên.

Vào năm 2020 và 2021, khi Trung Quốc dập tắt đợt bùng phát đầu tiên, chi tiêu trong nước khởi sắc. Hàng triệu nhà máy liên tục cung cấp hàng hóa cho thế giới từ vật tư y tế đến nguyên liệu thô. Thế nhưng, phép tính đã trở nên phức tạp hơn. Hạn chế, đóng cửa, kiểm dịch ảnh hưởng đến mọi chuỗi cung ứng. Không ít đối tác thương mại bày tỏ sự tức giận trước tác động của việc đột ngột áp đặt lệnh kiểm soát biên giới. Nếu các thị trường khác tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm soát liên quan đến Covid đối với hoạt động di chuyển trong khi Trung Quốc vẫn đóng cửa, họ có thể buộc phải tìm kiếm các đối tác thương mại ở nơi khác.

Đổi cách nói khác, việc Bắc Kinh duy trì tư duy cố hữu sẽ làm giảm nỗ lực quốc gia trong thể hiện tầm ảnh hưởng, xây dựng hình ảnh cường quốc trên toàn thế giới, bao gồm sáng kiến Vành đai và Con đường cung cấp đầu tư và viện trợ toàn cầu. Hiện tại, các nhà chức trách rõ ràng đã ưu tiên các lợi thế chính trị của một Trung Quốc không có Covid, và sẵn sàng trả một giá rất đắt để trở thành “chiến mã” duy nhất trong một thế giới bệnh dịch.

TL