Thấy gì từ các quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số?

06:05 10/02/2021

Chuyển đổi số được coi là con đường duy nhất và ngắn nhất dẫn đến sự phát triển thịnh vượng trong tương lai cho bất kì quốc gia nào. Chính phủ các nước, dù là nước phát triển hay đang phát triển đều không nằm ngoài cuộc đua chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số được coi là con đường duy nhất và ngắn nhất dẫn đến sự phát triển thịnh vượng trong tương lai cho bất kì quốc gia nào
Chuyển đổi số được coi là con đường duy nhất và ngắn nhất dẫn đến sự phát triển thịnh vượng trong tương lai cho bất kì quốc gia nào. (Ảnh: Internet)

Singapore

Singapore được công nhận trong nỗ lực chuyển đổi số quốc gia và thực hiện thành công sáng kiến Smart Nation. Văn phòng Chính phủ kỹ thuật số và Quốc gia thông minh Singapore đã đưa ra sáng kiến giúp theo dõi sức khỏe cá nhân trở nên dễ tiếp cận hơn. Một trong những sáng kiến được giới thiệu là Telehealth, cung cấp dịch vụ chăm sóc tích hợp không chỉ trao đổi tư vấn sức khỏe trực tuyến mà còn hỗ trợ bệnh nhân tập các bài tập phục hồi tại nhà thông qua cảm biến được các bác sĩ theo dõi. Điều này giúp giảm tình trạng xếp hàng dài chờ đợi, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm thời gian.

Do quỹ đất khan hiếm, Chính phủ nước này đặt mục tiêu tối ưu hóa không gian nhằm nâng cao khả năng vận chuyển, lưu thông an toàn, đáng tin cậy hơn. Cơ quan Giao thông đường bộ (LTA) nước này đã ra mắt hệ thống bán vé dựa trên tài khoản liên kết với thẻ ngân hàng, được gọi là SimplyGo cho phép người dùng dịch vụ dễ dàng thanh toán chỉ với một chiếc thẻ hoặc điện thoại mà không cần mang theo các loại thẻ riêng biệt cần nạp tiền như trước.

Về mặt giáo dục, việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số có thể tạo ra một môi trường mở thuận lợi cho học tập và giao tiếp hiệu quả giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh. Bộ Giáo Dục và Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (Gov Tech) đã cùng nhau cho ra mắt ứng dụng di động Father Gateway hoạt động như kênh liên lạc hai chiều giữa nhà trường và phụ huynh. Phụ huynh có thể đồng ý hay không đồng ý cho con cái họ tham gia vào các hoạt động và cập nhật về tình hình thường xuyên.

Với giải pháp đô thị, chuyển đổi số tập trung tìm ra các phương án cải thiện môi trường đô thị, bất động sản và nhà ở an toàn hơn, bền vững và đáng sống hơn. Khung thành phố thông minh của Ban Phát triển & Nhà ở (HDB) bao gồm 5 phương pháp tiếp cận: Quy hoạch thông minh, môi trường thông minh, bất động sản thông minh, cuộc sống thông minh và cộng đồng thông minh. Tất cả đều có thể nắm bắt thông tin qua sử dụng dữ liệu phân tích và công nghệ tối ưu hóa tương tác của người dân mang lại những hiệu quả như đã đề ra.

Ở cấp độ rộng nhất, nền kinh tế được hỗ trợ bởi Chính phủ đã trở thành lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng lớn nhất ở Singapore, hướng tới phát triển và đổi mới trong tất cả các lĩnh vực. Chính phủ nước này tập trung vào 5 nền tảng chính, bao gồm kho công nghệ của Chính phủ Singapore (SGTS); nhận dạng số quốc gia (NDI); nền tảng cảm biến quốc gia thông minh (SNSP); khoảnh khắc cuộc sống (MOL) và văn phòng kỹ thuật số (ADWP) cho các viên chức. Một năm sau khi thực hiện kế hoạch chi tiết về Chính phủ kỹ thuật số (DGB), kể từ lần đầu ra mắt năm 2018, các doanh nghiệp đã bày tỏ sự hài lòng với sự thay đổi mà Chính phủ mang lại. Cho tới năm 2019, DGB thực hiện trọng tâm chủ đề “Chính phủ kỹ thuật số. Làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Theo ông Kok Ping Soon - Giám đốc điều hành Gov Tech, người dân và doanh nghiệp hài lòng với các dịch vụ kỹ thuật số. Điều này tạo ra nhiều cơ hội để các cơ quan nhà nước hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số hóa cải thiện mọi mặt, mọi phương diện.

Phần Lan

Chương trình chuyển đổi số đầy tham vọng của Phần Lan đã đưa quốc gia này trở thành một trong những quốc gia kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Người đứng đầu đơn vị số hóa Bộ Tài chính Phần Lan, Maria Nikkila đã miêu tả, đây là quá trình thúc đẩy hướng tới các dịch vụ kỹ thuật số lấy người dân làm trung tâm. Trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để cung cấp dịch vụ công hiệu quả”, bà cho biết, sự chuyển đổi số hóa quốc gia tại đây tạo ra một loạt các dịch vụ công cộng đi sâu vào cuộc sống.

 Điểm khởi đầu của nước này nằm ở chuyển đổi số trong nhận thức của người dân, trở thành công dân kỹ thuật số. Trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh kỹ thuật số thế giới năm 2019 của IDM Business School, dù chỉ với vỏn vẹn 5,5 triệu dân, Phần Lan đã vươn lên đạt vị trí thứ 7 toàn thế giới. Điều này cho thấy thực tế hơn 75% dân số nước này có các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản, so với mức trung bình là 57% trên toàn châu Âu (EU). Đây được coi là tiền đề cung cấp cho Chính phủ một nền tảng vững chắc để tham gia chuyển đổi số. Một yếu tố khác trong tốc độ tăng trưởng số của Phần Lan là sự tin tưởng của người dân đối với các dịch vụ Chính phủ. Thống kê cho thấy, 92% người dùng Internet ở nước này truy cập các dịch vụ do Chính phủ cung cấp, cao hơn 30% so với các nước khác trong khu vực EU.

Bên cạnh đó, với phương châm lấy con người làm trung tâm, Chính phủ Phần Lan đã tích hợp dịch vụ ủy quyền điện tử phù hợp với nhu cầu công dân. Điều đó có nghĩa là công dân có thể đồng thời truy cập dịch vụ và cấp quyền thay mặt mình cho người khác. Chẳng hạn như cha mẹ có thể thay mặt con cái xem các thông tin trong cơ sở dữ liệu sức khỏe. Ngoài ra, Singapore đã đạt được trình độ tự động hóa tất cả các dịch vụ thuế một cách toàn diện cả về thông tin lẫn cách hoạt động. Tuy nhiên, không dừng lại ở những thành công trước mắt, Phần Lan vẫn đầy tham vọng với trí tuệ nhân tạo với mong muốn trở thành “Người đi đầu trong chính sách thông tin và trí tuệ nhân tạo”.

Hiện nay, các cơ quan Chính phủ Phần Lan đang triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và các công nghệ khác cải thiện dịch vụ công cũng như hợp lý hóa các chức năng hỗ trợ. Dự án trí tuệ nhân tạo Aurora AI ra mắt vào tháng 2 năm 2020 tạo ra một hệ thống giúp giảm thời gian quản lý hành chính, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác giữa khu vực công, khu vực tư và khu vực thứ ba. Ngoài ra, Phần Lan còn đang đẩy nhanh phát triển các dịch vụ bằng các tạo ra các hệ sinh thái xung quanh cuộc sống người dân và vòng đời của các doanh nghiệp. Các hệ sinh thái này bao gồm cả khu vực công và tư nhân.

Tất cả các nỗ lực trên thể hiện một sự thay đổi to lớn và mang tính chất lịch sử trong các tiếp cận của Chính phủ Phần Lan trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 

(Ảnh: Internet)

Hàn Quốc

Hàn Quốc nổi lên sau chiến tranh Triều Tiên vào giữa những năm 1950, khi đó nơi này vẫn là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới. Qua nhiều thập kỉ với sự can thiệp của Chính phủ và đầu tư công nghệ hiện đại, đất nước đã vươn lên trở thành ngôi sao sáng giá trong chuyển đổi kỹ thuật số như hiện nay. Tiến sĩ Kim Seung Keon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) chia sẻ, ba yếu tố chính hình thành sự tăng trưởng của đất nước, bao gồm hệ thống giáo dục tiên tiến, đặc điểm văn hóa và tầm nhìn của Chính phủ về CNTT-TT.

Giá trị của giáo dục được đánh giá rất cao tại Hàn Quốc và được coi là nấc thang vượt đói nghèo trong thế hệ trước. Ngày nay “Giáo dục thể kỷ 21” tập trung vào các môn học truyền thống như Toán và Khoa học nhưng cũng là những môn điều kiện tiên quyết, cơ bản cho ngành nghề kỹ thuật trong nền kinh tế kỹ thuật số tương lai. Học sinh không tiếp thu theo cách truyền thống bằng bảng đen và ghi chép, thay vào đó là tích hợp CNTT-TT ở tất cả các cấp hệ thống trường học thúc đẩy “Học sinh thế kỷ 21”. Internet không dây, bảng điện tử, thiết bị thực tế ảo (VR), sách giáo khoa kĩ thuật số đều được đưa vào sử dụng nhằm tăng cường năng lực người học.

Hơn tất cả, tầm nhìn tương lai phát triển thành phố thông minh, IoT và 5G của Chính phủ sẽ giúp quá trình chuyển đổi số quốc gia được toàn diện nhất. Những năm gần đây, Busan, thành phố đông dân thứ hai Hàn Quốc đã được hình dung như một thành phố thông minh của tương lai bằng việc sử dụng công nghệ cải thiện cuộc sống người dân. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy đất nước hướng tới các công nghệ tiếp theo. Tại đây các dự án Thành phố thông minh về an toàn cộng đồng, cải thiện giao thông, tiết kiệm năng lượng đã được triển khai. Các dự án dữ liệu mở, hệ thống giám sát dữ liệu cùng các thử nghiệm khác bao gồm giải pháp do IoT dẫn dắt được thực hiện với mục đích làm cho cuộc sống của cư dân thuận tiện hơn. Ngoài công nghệ thành phố thông minh, Hàn Quốc cũng đang dẫn đầu phát triển công nghệ băng thông rộng không dây thế hệ tiếp theo và đặt mục tiêu triển khai 5G sớm hơn bất kì quốc gia nào. 5G được kì vọng sẽ trở thành cơ sở hạ tầng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 Malaysia

 Lấy cảm hứng từ “Xã hội 5.0” của Nhật Bản, Malaysia cho ra đời khái niệm “Malaysia 5.0” với sứ mệnh chuyển đổi nền kinh tế nước nhà một cách vượt bậc. Khái niệm này đề xuất đặt xã hội vào trung tâm của công nghệ, trong đó sử dụng các công nghệ mới nổi hiện nay nhằm phục vụ xã hội và được coi là công cụ thiết yếu trong nền kinh tế kỹ thuật số mới. Malaysia 5.0 trực tiếp giải quyết vấn đề bao gồm tài chính, tiếp cận, hiệu suất, tăng trường thông qua các công cụ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR) chẳng hạn như fintech, blockchain và trí tuệ nhân tạo AI. Các sáng kiến và trung tâm kỹ thuật số trở thành thành phần cốt lõi cho cơ sở hạ tầng thế hệ tiếp theo của quốc gia. 4IR đại diện cho cách thức mới cả công nghệ được áp dụng trong xã hội. Tích hợp rô bốt, máy móc, AI, IoT, công nghê tài chính Fintech... sẽ thay thế công nghệ thông thường và thay đổi đáng kể ngành công nghiệp.

Bằng cách áp dụng 4IR và “Malaysia 5.0” cho sự phục hồi kinh tế quốc gia, Malaysia đã đạt được sự phân bổ tăng trưởng cân bằng và công bằng trên tất cả các tầng lớp trong xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện đại hóa và chuyển đổi kĩ thuật số sẽ đảm bảo an ninh lương thực, tăng năng suất, tăng cường chuỗi cung ứng và tạo điều kiện cho lao động có kỹ năng kỹ thuật số. Áp dụng các công nghệ mới nổi trong các ngành công nghiệp truyền thống phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Malaysia nhằm cải thiện phúc lợi và thu nhập của nông, ngư dân và doanh nghiệp. Do đó công nghệ 4IR có thể thiết lập một môi trường sống tốt hơn, mang lại cơ hội việc làm mới, nâng cao trình độ lao động cũng như chất lượng sức khỏe và giáo dục.

 Cùng với đó, Malaysia lấy chuyển đổi kỹ thuật số làm mũi nhọn. Tập đoàn Kinh tế kỹ thuật số Malaysia (MDEC) tiên phong trong chuyển đổi số hóa bằng cách tập trung kích thích tăng trưởng chất lượng cao và toàn diện. Vai trò hiện tại của đơn vị này là đảm bảo Malaysia thực hiện bước nhảy vọt chuyển đổi số quốc gia và nắm lấy kỉ nguyên 4IR. Tầm nhìn của nước này hướng đến ba động lực chính bao gồm trao quyền cho người dân bằng kỹ thuật số, hỗ trợ các doanh nghiệp kỹ thuật số và thúc đẩy đầu tư số.

MDEC đã có tầm nhìn xa trong việc khuyến khích phát triển và thử nghiệm các công nghệ tiếp theo như blockchain và fintech. Điều này giúp Malaysia bước đầu thu hút thêm nhiều công ty và các nhà đầu tư nước ngoài đến đặt trụ sở. MDEC đã giới thiệu sáng kiến Phát triển tài năng Công nghệ đã duy trì đầu tư quốc gia. Chính phủ Malaysia cũng khuyến khích các lĩnh vực công nghiệp bằng các phương án giảm thuế cho lĩnh vực điện tử và sở hữu trí tuệ (IP) liên quan, trợ cấp vốn thiết bị cho dịch vụ tư động hóa, khuyến khích nỗ lực số hóa và đổi mới đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia. “Malaysia 5.0” đang được triển khai đúng cách và đạt được kết quả bước đầu, được kì vọng tạo ra bước nhảy vọt trong thế hệ kỷ nguyên số tương lai.

 Đan Mạch

Được biết đến là quốc gia số hóa nhiều nhất thế giới, là cha đẻ của “Chỉ số kinh tế và xã hội kỹ thuật số quốc tế 2020”, Đan Mạch dẫn đầu trong số hóa khu vực công và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên con đường chuyển đổi số quốc gia. Tại đây, kỹ thuật số được coi là chiếc chìa khóa vàng duy nhất giúp kết nối cánh cửa khu vực tư nhân và khu vực công và “sự tín nhiệm” chính là bí quyết thành công. Theo Giám đốc Cơ quan Số hóa, Rikke: “Chính phủ Đan Mạch đã đưa ra một số quyết định táo bạo về cách kết nối giữa khu vực công, người dân và doanh nghiệp”.

Một trong những cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cơ bản tại nước này là “NemID” hoặc còn gọi “EasyID” giúp người dân dễ dàng truy cập các loại dịch vụ trực tuyến và ID này được dùng cho cả khu vực công lẫn tư nhân. Bản thân kỹ thuật số và sự hợp tác giữa các khu vực được đánh giá là hai yếu tố quan trọng trong cách Đan Mạch quản lý quốc gia chuyển đổi số. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất nằm ở sự tín nhiệm giữa nhân dân và chính phủ. Niềm tin đã trở thành yếu tố cơ bản khi nói đến số hóa và các dịch vụ kỹ thuật số mà các cơ quan công quyền cung cấp cho người dân. Bác sĩ trưởng tại Bệnh viện Quốc gia, Torsten Lauritzen chia sẻ, người dân vô cùng tin tưởng sử dụng NemID trong lĩnh vực y tế trực tuyến và cho rằng những dữ liệu được thu thập không bị lạm dụng mà thực sự là vì lợi ích sức khỏe của họ.

Quan trọng hơn cả, Đan Mạch đang khẳng định vị thế của mình trong cuộc đua chuyển đổi số với tầm nhìn chiến lược rất rõ ràng: đứng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật số. Để đạt được điều này, Chính phủ Đan Mạch phân bổ 134 triệu euro cho các sáng kiến giai đoạn đến năm 2023 như một phần của “Chiến lược tăng trưởng kỹ thuật số” mới. Chiến lược này ra đời vào tháng 1 năm 2018 bao gồm 38 sáng kiến cụ thể, nhằm đảm bảo vị trí của Đan Mạch như một trung tâm kỹ thuật số hấp dẫn thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ, cải thiện điều kiện để các doanh nghiệp hưởng đầy đủ lợi ích của các công nghệ mới. Các tổ chức của nước này đã đi đầu trong làn sóng số hóa đầu tiên, nhiều công việc hành chính và thủ tục đã được số hóa. Chiến lược mới sẽ kích thích bước tiếp theo bằng cách áp dụng các công nghệ mới nổi trong lĩnh vực kỹ thuật số như dữ liệu lớn, IoT và trí tuệ nhân tạo.

Trưởng nhóm Kỹ thuật tại Cơ quan Đầu tư công nghệ Đan Mạch cho biết: “Đan Mạch nắm giữ thành tích quốc tế về nghiên cứu trong lĩnh vực dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy học và mật mã và cung cấp đội ngũ nhân tài phát triển phần mềm đẳng cấp thế giới. Chính phủ tập trung mạnh mẽ vào tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp có nền tảng STEM và đảm bảo khả năng tiếp cận các kỹ năng CNTT. Đây sẽ là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kỹ thuật số của đất nước”. Các công nghệ khác bao gồm tiến bộ trong tính toán lượng tử, kỹ thuật kích thước nanno và quang học tuyến tính được nhắc đến như những kết quả đột phá mà Đan Mạch thu được trong quá trình chuyển đổi.

Phan Thu