Thay đổi tư duy để xuất khẩu nông sản không bị “giải cứu"

15:22 16/01/2022

Ùn ứ nông sản, tiêu thụ gặp khó, nhiều nguyên nhân và giải pháp đã được đưa ra trong rất nhiều các diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong thời gian vừa qua. Trong đó, việc hầu hết các đơn vị chỉ tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm hoa quả ăn tươi, mà không tập trung nhiều vào việc đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ. Đẩy mạnh chế biến sẽ giúp giảm áp lực tiêu thụ tại một thời điểm cũng được nhắc đến.

Tại Diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả" diễn ra ngày 13/1, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - chia sẻ, suốt một tuần qua, Cục đã liên tục cập nhật, theo dõi sản lượng các loại cây ăn quả. Đề nghị các tỉnh phía Nam theo dõi, để chủ động liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Sau thanh long, mít có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ”, ông Tùng cũng nhận định.

Dưới góc độ là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit - cho biết, năm 2021, có 113 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm mít. Tuy nhiên số lượng lớn chỉ tập trung phần lớn ở 5 cá nhân của Việt Nam và 3 cá nhân Trung Quốc. “Điều đó cho thấy, đây là cuộc chơi mang tính cá nhân của các thương nhân, thương lái Việt Nam và Trung Quốc. Nếu chúng ta không bắt tay, trao đổi với nhóm thương nhân này sẽ không nắm bắt được thông tin, tình hình diễn biến thị trường”, ông Nguyễn Lâm Viên nhận định. 

Ảnh minh họa
 Trên đường phố Hà Nội xuất hiện nhiều điểm giải cứu nông sản/ Nguồn ảnh báo phụ nữ

Cũng theo ông Nguyễn Lâm Viên, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển sang xuất khẩu chính ngạch là việc rất khó khăn. Hiện nay, các thương nhân Việt Nam sẽ đứng ra làm điểm thu mua và bán sang biên giới. Nếu không bán được sang biên giới thì họ sẽ không bán được cho ai khác. Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ bị o ép, khó khăn nhưng bắt buộc vẫn phải đi.

Để xây dựng những đầu mối trong nước kết nối thông tin thị trường Trung Quốc bằng đường biên mậu, thậm chí theo đường chính ngạch, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, các địa phương cần xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng qua đó có thể kiểm soát vùng trồng cũng như kiểm soát thị trường.

Ùn ứ nông sản, tiêu thụ gặp khó, nhiều nguyên nhân và giải pháp đã được đưa ra trong rất nhiều các diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong thời gian vừa qua. Trong đó, việc hầu hết các đơn vị chỉ tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm hoa quả ăn tươi, mà không tập trung nhiều vào việc đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ. Đẩy mạnh chế biến sẽ giúp giảm áp lực tiêu thụ tại một thời điểm cũng được nhắc đến.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, trong 3-4 năm qua, công nghệ chế biến đang được quan tâm, không chỉ ở chính sách, mà ở cộng đồng doanh nghiệp. Từ năm 2018-2020, có đến 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 20 tỷ USD. Khâu chế biến quan trọng còn bởi đặc điểm của Việt Nam là nước có nhiều rau củ quả nhiệt đới, đa dạng về chủng loại. Dù vậy, tỷ lệ chế biến còn thấp. Mặt khác, công suất nhà máy chế biến mới 60%, do không đủ nguyên liệu. Năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đó là bước tiến. Tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa. Ở thị trường Trung Quốc, xu hướng giới trẻ là dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, ông Toản dẫn chứng và cho hay, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức “trung bình tiên tiến”. Năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%. Đây là vấn đề cần có giải pháp căn cơ.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện nay Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tập trung ở Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn và Lào Cai. Ưu điểm của việc xuất khẩu qua đường bộ là phù hợp với số lượng nhỏ, cơ động, từ nhà vườn lên thẳng biên giới. Nhược điểm là năng lực thông quan thấp, dễ bị ùn tắc khi vào chính vụ. “Do chính sách điều tiết biên mậu của Trung Quốc nên một số loại nông sản tập trung vào cửa khẩu phụ Tân Thanh, Lạng Sơn mặc dù có thể đi cửa khẩu quốc tế. Việc ùn tắc hiện nay do tác động kép - trái cây vào vụ và Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng hóa để phòng chống Covid-19”, ông Trần Thanh Hải nêu vấn đề.

Đối với đường biển, ông Trần Thanh Hải cho biết, Việt Nam xuất hàng hóa, nông thủy sản cần sử dụng container lạnh. Ngược lại, nhập hàng khô từ Trung Quốc bằng container thường nên gây ra mất cân đối, thiếu vỏ container lạnh, bắt buộc phải nhập vỏ container lạnh rỗng từ Trung Quốc hoặc từ những nơi khác về.

Bên cạnh đó, hàng hóa vận chuyển bằng container lạnh đòi hỏi phải có ổ cắm điện trên tàu cũng như ở cảng, bãi để duy trì nhiệt độ thấp. Khi nhu cầu xuất khẩu cao, số lượng ổ cắm điện sẽ không đủ để đáp ứng. Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán theo hướng lâu dài.

Ông Hải cho biết, dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt, các mặt hàng của Việt Nam đều phải đáp ứng được những yêu cầu từ phía Trung Quốc về các vấn đề về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc (vùng trồng, cơ sở đóng gói) và đóng gói, nhãn mác. Theo đó, để có thể chuyển đổi xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển một cách hiệu quả, người nông dân cũng như người tiêu dùng Việt Nam cần thay đổi tư duy, từ bỏ thói quen để tiêu thụ ổn định, giảm bớt rủi ro. Bên cạnh đó phải thay đổi khách hàng, thiết lập lại mạng lưới bán hàng. Các địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động trong thông tin, hướng dẫn cho nông dân và thương lái để thay đổi phương thức giao dịch theo hướng bền vững, ổn định, giảm rủi ro. Cần kết nối từ sớm, từ xa. Quy hoạch các kho lạnh, kho mát cho nông sản. “Đây là lúc để nông dân, thương lái, doanh nghiệp quyết định thay đổi. Và Covid-19 là một áp lực, một chất xúc tác cho quá trình thay đổi này”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Hải An