Xây dựng "Chính phủ không giấy tờ"
Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra ngày 21/12. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với quyết tâm “chống dịch như chống giặc,” “không để ai bị bỏ lại phía sau” và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng xã hội, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát trong cộng đồng.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc, trong đó nổi bật là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực với thặng dư thương mại cao, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong những tháng qua.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công; từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.
“Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Bộ trưởng cho biết Cổng Dịch vụ công quốc gia sau 1 năm 12 ngày kể từ ngày chính thức khai trương, đã tích hợp, cung cấp hơn 2.650 dịch vụ công trực tuyến trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%); có hơn 97 triệu lượt truy cập...
Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là khoảng 6.700 tỷ đồng/năm.
Ông thông tin, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh tế không tiếp xúc. Chính phủ đang hướng đến "một Chính phủ phi giấy tờ", giảm thiểu các thủ tục, điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Như vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam".
Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù chưa có con số chính thức, song, qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,6-3%, là nước duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh, được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới.
Những thành công trên không thể không kể đến sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đánh giá cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.
Dẫn con số trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam đã đạt tổng giá trị xuất nhập khẩu lên đến 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các nước đang nỗ lực chống dịch, Việt Nam đã tăng trưởng dương, Đại sứ Yamada Takio khẳng định, trên thế giới, chỉ có Việt Nam đạt mức thành công lớn như vậy.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang trực tiếp hưởng lợi từ việc đa dạng chuỗi cung ứng đầu tư toàn cầu.
Đại sứ Yamada Takio cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Nhật Bản-Việt Nam ngày càng sâu sắc, mối quan hệ này có tiềm năng vô tận. Đại sứ cũng cho biết các nhà đầu tư trong đó có Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam như là điểm đến đầu tư sau Covid-19. Theo Đại sứ, Việt Nam hiện đứng đầu trong thu hút doanh nghiệp nước này khi có 37 doanh nghiệp đầu tư, đứng thứ hai là Thái Lan với 19 doanh nghiệp.
Thể chế hóa cam kết thành chính sách
Ông Sudo Kazunori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch COVID-19 tốt nhất; đồng thời tạo dựng được một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thông qua cơ chế hợp tác, những phản ánh, kiến nghị của Nhật Bản đều nhận được phản hồi tích cực từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Theo ông Sudo Kazunori, Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến công khai thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh thời gian triển khai và đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép đầu tư, áp dụng ưu đãi đầu tư, tỉ lệ nội địa hóa, hoàn thiện hạ tầng, vấn đề nhập cảnh...
“Những cam kết cần được thể chế hóa thành chính sách, điều này rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam”, ông Sudo Kazunori nói.
Nêu vướng mắc của doanh nghiệp, đại diện công ty TNHH Nipro Việt Nam cho biết phía công ty mất rất nhiều thời gian cần thiết cho việc xin giấy phép cần thiết khi triển khai hoạt động kinh doanh mới.
Theo ông, các dự án cấp 1 cần phải có báo cáo lắp đặt thiết bị, kiểm tra thiết bị sản xuất và báo cáo đánh giá tác động đến môi trường. Tuy nhiên, những dự án từ cấp 2 trở đi thì không cần các báo cáo này. "Vì vậy, chúng tôi mong các dự án này sẽ được áp dụng như nhau", đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, ông Nakagawa Tetsuyuki, hiện doanh nghiệp gặp một số vấn đề bất cập trong thủ tục hành chính. "Những dự án phát triển của Aeon Mall tại Việt Nam thường mất nhiều thời gian từ khi làm thủ tục đến lúc nhận các chứng nhận, chẳng hạn như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", ông chia sẻ.
Không chỉ vậy, đại diện phía Công ty Aeon Mall Việt Nam cho biết họ cũng đang gặp vấn đề về thủ tục đầu tư. "Có dự án mà thời gian từ khi làm thủ tục tới khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài hơn 1 năm", ông nói.
Đại diện doanh nghiệp này đề nghị, các cơ quan ban ngành nên rút nhanh thời gian giữa những khâu như giấy phép đầu tư, xây dựng, quyền sử dụng đất…
"Chẳng hạn, các thủ tục cấp giấy phép đầu tư và giấy phép quyền sử dụng đất cần được xử lý một cách song song, qua đó rút ngắn thời gian cấp phép. Việc này có thể thúc đẩy doanh nghiệp, gia tăng lợi nhuận và góp phần thúc đẩy nền kinh tế", ông nêu rõ.
Ông Marukawa Yoichi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, đề nghị đẩy nhanh và đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế VAT khi xuất khẩu. Bởi hiện nay thủ tục hoàn thuế VAT do doanh nghiệp chế tạo đang đầu tư tại Việt Nam thực hiện để tăng cường xuất khẩu rất phức tạp, không được hoàn thuế nhanh chóng. Vì vậy, có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu nhưng không làm thủ tục hoàn thuế
Ông Narukama Hiromitsu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MITSUI Việt Nam, bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã có hành động nhanh hơn nhiều nước trong việc cho phép các nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh. Để việc kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhanh hơn nữa, ông Narukama Hiromitsu đề nghị các nội dung liên quan nới lỏng hạn chế nhập cảnh cho doanh nghiệp đầu tư mới như: Rút ngắn thời gian xin nhập cảnh (hiện 2 tháng); rút ngắn cách ly (hiện 14 ngày); nhanh chóng nối lại chuyến bay định kỳ giữa hai nước..., đồng thời tin tưởng việc nới lỏng đi lại sẽ đóng góp hơn nữa cho kinh doanh của hai nước.
Giải đáp một số vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết, 60% kiến nghị của các doanh nghiệp trong Hội nghị hôm nay liên quan đến thủ tục đầu tư kinh doanh, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Thực tế từ năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thông qua môi trường Chính phủ điện tử, yêu cầu các bộ ngành đưa quy trình thủ tục hành chính kinh doanh của người dân lên mạng, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Nghị quyết 36a của Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tiến hành triển khai đưa các quy trình thủ tục về hoạt động đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính đối với người dân lên mạng.
Riêng liên quan đến đầu tư kinh doanh, trong Luật Đầu tư năm 2020 vừa mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung thêm quy định yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước có một lộ trình thiết lập môi trường trực tuyến xử lý việc cấp, điều chỉnh các dự án đầu tư.
Về hoàn thuế GTGT với dự án đầu tư, hàng hóa xuất khẩu, theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách của Tổng cục Thuế, đến ngày 25/11/2020, Tổng cục Thuế đã hoàn theo phương thức điện tử trên 93% số hồ sơ đề nghị, chiếm hơn 97% số thuế nộp theo phương thức điện tử. Tổng cục Thuế cho biết sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thuế nhanh chóng, thuận tiện.
Về kiến nghị xuất nhập cảnh, đại diện Bộ Công an cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thủ tục xét duyệt nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài trong giai đoạn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay đã bảo đảm đơn giản, nhanh chóng (chỉ trong 3 ngày làm việc).
Các quy định về “Hướng dẫn về việc đề nghị xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo bảo lãnh của cơ quan tổ chức trong giai đoạn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19” đã được Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trao đổi với Bộ Ngoại giao, đồng thời đăng tải công khai trên Cổng TTĐT về xuất nhập cảnh Việt Nam – Bộ Công an (xuatnhapcanh.gov.vn).
Chia sẻ với kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến hạ tầng cơ sở trong đó có vấn đề bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để rà soát lại lưới điện khu vực các khu công nghiệp, đưa ra giải pháp tăng cường nguồn cấp điện như bổ sung nguồn hoặc tách máy biến áp dùng cho khu công nghiệp để bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định.
Bảo Bảo