Thanh Long Việt Nam tạm thời không còn được nhập khẩu bởi Trung Quốc và giải pháp cho nông sản Việt

18:53 29/12/2021

Thanh Long Việt Nam bị ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc là 1 ví dụ lớn về việc nông sản Việt vẫn đang ùn ứ tại nơi cửa khẩu.

Thanh Long tại thị trường Trung Quốc
Thanh Long tại thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Produce Report)

Chiều 28/12, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, phía Trung Quốc vừa thông báo, lực lượng chức năng nước bạn đã phát hiện một lô hàng quả thanh long nhập khẩu từ Việt Nam có nhiễm COVID. 

"Theo quy định của Trung Quốc thì cứ 3 lần phát hiện virus SARS - CoV - 2 thì họ sẽ thông báo cho ta. Theo đó, Hải quan Bằng Tường, Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu loại quả thanh long kể từ 0h ngày 29/12/2021 đến 24h ngày 26/1/2022”, ông Đại cho biết.

Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, trong tổng số 2.900 xe chở nông sản, trái cây đang ùn ứ tại Lạng Sơn, có khoảng 30% hàng quả thanh long, có nghĩa gần 1.000 xe chở loại hoa quả này buộc phải “quay đầu”. 

Trước đó, tình trạng ùn ứ nông sản nơi cửa khẩu đã rất căng thẳng. Các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng sản xuất là phải có kế hoạch, có phương án và dự phòng rủi ro. Dịch bệnh hay ách tắc xuất nhập khẩu cũng là rủi ro phải tính. Đặc biệt nông sản, cơ bản là sản xuất nhỏ lẻ của bà con nên có liên kết với doanh nghiệp cũng chỉ được phần nào, quan trọng là phải có công cụ kết nối giữa 3 nhà, đặc biệt là nhà nước-nhà quản lý đối với vùng sản xuất và thị trường.

Bên cạnh đó, đầu nguồn sản phẩm là nhà nông, muốn thoát lệ thuộc thương lái, cần sản xuất sạch hơn, chất lượng hơn – tự tin với đầu ra sẽ chủ động hơn về giá cả, bạn hàng. Doanh nghiệp, thương lái là kênh trung gian, thoát lệ thuộc thị trường truyền thống, phải tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đa kênh, đa dạng hóa thị trường.

Chung quy lại thì chúng ta vẫn cần chiến lược, từ tầm nhìn có hệ thống của cơ quan chức năng, biến thành hành động, và nhân rộng. 

Đỗ Nhung