Thanh Chương “tiếp sức” hiệu quả cho các mô hình kinh tế nông hộ

13:44 12/06/2023

Thanh Chương (Nghệ An) chú trọng “tiếp sức” hiệu quả cho các mô hình kinh tế nông hộ bằng nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã có rất nhiều mô hình sinh kế được nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi “tiếp sức” mang lại hiệu quả kinh tế, như: Chăn nuôi trâu bò sinh sản, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, trồng cam, trồng chè, xưởng ngành nghề thủ công… Có thể khẳng định rằng, tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Thanh Chương có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống… Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, giúp địa phương thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào tiến trình hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Nông thôn mới…

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, Thanh Chương đã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Nhờ đó, nguồn vốn này đã kịp thời “vực dậy” hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp người dân phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống. Đáng ghi nhận hơn, trong những năm qua, bên cạnh việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, Thanh Chương đã tích cực huy động sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp từ huyện đến xã nhằm bổ sung nguồn vốn chính sách ưu đãi cho người dân vay để xây dựng các mô hình kinh tế. Theo đó, hàng năm, UBND huyện đã trích hàng trăm triệu đồng từ ngân sách địa phương để bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và giải quyết việc làm. Chủ trương này mang ý nghĩa sâu sắc cả về mặt chính trị và kinh tế, thể hiện sự ủng hộ, quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng chung tay vì người nghèo.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, gia đình anh Bùi Thế Cường ở xã Thanh Đức đã có điều kiện mở rộng diện tích trồng chè để phát triển kinh tế
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, gia đình anh Bùi Thế Cường ở xã Thanh Đức đã có điều kiện mở rộng diện tích trồng chè để phát triển kinh tế.

Từ thực tiễn cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Chương có điều kiện để xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, điển hình như mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi lợn kết hợp trồng cam, trồng chè của gia đình anh Bùi Thế Cường ở xã Thanh Đức. Được biết, năm 2017, với khát vọng phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, nên vợ chồng anh Cường đã quyết định bỏ công việc ở TP. Đã Nẵng để trở về quê nhà sinh sống. Từ nguồn vốn tích cóp được và dựa vào tiềm năng đất đai, anh Cường đã hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế bằng mô hình trang trại chăn nuôi lợn kết hợp trồng cam, trồng chè. Trong những ngày đầu xây dựng mô hình, vợ chồng anh Cường đã gặp không ít khó khăn, vì nguồn vốn quá hạn hẹp. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của mình, vợ chồng anh đã vượt qua thử thách. Thế rồi, mô hình kinh tế của gia đình anh bước đầu đã cho nguồn thu nhập đáng kể…

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, anh Trần Văn Thắng ở xã Thanh Nho đã phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, anh Trần Văn Thắng ở xã Thanh Nho đã phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Từ cơ sở thu nhập ban đầu, vợ chồng anh Cường nhận thấy mô hình này nếu được mở rộng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho gia đình. Thế nhưng, ngặt thay, vợ chồng anh chị không biết lấy đâu ra nguồn vốn để đầu tư. Trong lúc đang bí bách nguồn vốn để thực hiện ước mơ làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, thì vợ chồng anh chị nhận được sự động viên, tuyên truyền về nguồn vay tín dụng chính sách ưu đãi của chương trình cho vay Sản xuất kinh doanh từ Tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn Thanh niên xã Thanh Đức. Vợ chồng anh Cường vui mừng vì đã gặp được “bà đỡ” để mở rộng mô hình kinh tế, nên đã làm đơn xin gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn. Sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, gia đình anh được Tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn và được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thanh Chương phê duyệt cho vay với số tiền 50 triệu đồng…

Nhờ nguồn vốn này, vợ chồng anh Cường đã có đủ điều kiện để mở rộng thêm diện tích trồng chè. Sau gần 3 năm đầu tư, hiện nay, gần 2ha chè của vợ chồng anh Cường đã đạt năng suất bình quân 20 tấn/năm. Tổng thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh chị ước đạt 400 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại đã giúp gia đình anh ổn định cuộc sống và trở thành hộ gia đình trẻ làm kinh tế giỏi của địa phương. Nhìn nhận về hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, anh Cường bày tỏ: Để gia đình có được kinh tế như hiện nay, vợ chồng tôi rất biết ơn chính quyền cấp huyện cũng như cấp xã và các đoàn thể, đặc biệt là Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương, Đoàn Thanh niên xã Thanh Đức, Tổ tiết kiệm & vay vốn… vì đã có công rất lớn để chắp cánh cho ước mơ của chúng tôi là làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của mình trở thành hiện thực.

Gia đình anh Nguyễn Huy Khán, trú tại xóm Phương Thảo, xã Thanh Xuân mở rộng mô hình chăn nuôi gia cầm từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi
Gia đình anh Nguyễn Huy Khán, trú tại xóm Phương Thảo, xã Thanh Xuân mở rộng mô hình chăn nuôi gia cầm từ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi.

Nhìn chung, trong những năm qua, Thanh Chương đã chú trọng đẩy mạnh đầu tư nguồn lực, kỹ thuật và nguồn vốn chính sách ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Qua đó, đảm bảo an sinh xã hội để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào tiến trình hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Nông thôn mới.

Hoàng Lan