TP HCM vào danh sách 10 địa phương tăng trưởng thấp nhất cả nước

23:34 31/03/2023

Tổng cục Thống kê công bố mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Tổng cục Thống kê công bố mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, so với cùng kỳ năm trước, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý 1/2023 cao nhất, đạt 9.65% (đứng thứ 3/63 địa phương, sau Hậu Giang, Bình Thuận).

TP HCM vào danh sách 10 địa phương tăng trưởng thấp nhất cả nước
TP HCM vào danh sách 10 địa phương tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Xếp thứ 2 là Đà Nẵng với GRDP tăng 7.12%, đứng thứ 19/63 địa phương trong cả nước). Với GRDP tăng 5,8%, Hà Nội xếp vị trí thứ 3 và đứng thứ 32/63 địa phương. Đứng vị trí thứ 4 là TP. Cần Thơ với GRDP tăng 4,02%, đứng thứ 43/63 địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng GRDP quý I/2023 thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạt 0,70% và đứng thứ 56/63 địa phương, thuộc danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Theo nhận xét của Cục Thống kê TP.HCM, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 3 có khởi sắc hơn so với 2 tháng trước nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số IIP giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sự sụt giảm nặng nề được ghi nhận ở 15/30 ngành công nghiệp cấp II, 3 ngành công nghiệp truyền thống cùng một số sản phẩm công nghiệp khác.

Tình hình xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm gặp khó dẫn đến nguồn thu ngân sách từ khu vực xuất, nhập khẩu giảm 11,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP theo đó cũng giảm 1,5% so với cùng kỳ và chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) giảm 8,5%.

Ở khối dịch vụ, tuy các doanh nghiệp có nhiều chương trình giảm giá, kích cầu nhưng mức tăng trưởng của hoạt động thương mại, dịch vụ còn chậm do lượng khách quốc tế đến TP không nhiều, hoạt động bất động sản, ăn uống, vui chơi giải trí chưa phục hồi mạnh như trước đại dịch.

Báo cáo Chính phủ về các hạn chế trong quý I, UBND TP HCM cũng nhìn nhận thị trường bất động sản và tài chính gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nợ xấu ở nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng. Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, với 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm. Những diễn biến này khiến số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.

Quý II, TP HCM đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế TP nhằm đề xuất giải pháp quản lý, điều hành kịp thời, không để bị động.

Riêng trong tháng 4, TP sẽ rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, hoàn thiện đề án thu hút FDI và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ.

TP cũng sẽ rà soát các quy hoạch gắn với định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và định hướng phát triển công nghiệp TP trong bối cảnh mới. Đồng thời, xây dựng đề án mở rộng Khu Công nghệ cao hiện hữu và nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP theo hướng nghiên cứu hợp nhất các cơ quan có chức năng xúc tiến thương mại.

P.V (t/h)