Tài sản tăng vượt bậc, Trung Quốc đang biến nhóm dân số nghèo thành tầng lớp trung lưu nhờ chiến lược "Thịnh vượng chung"?

16:15 18/11/2021

Với số lượng tài sản tăng vượt bậc, thậm chí đánh bại Hoa Kỳ trong số liệu gần đây nhất, Trung Quốc đang biến nhóm dân số nghèo thành tầng lớp trung lưu thông qua quá trình "Thịnh vượng chung".

800 triệu dân từng thoát nghèo một lần nữa hi vọng đổi đời nhờ chiến lược Thịnh vượng chung
800 triệu dân từng thoát nghèo một lần nữa hi vọng đổi đời nhờ chiến lược Thịnh vượng chung. (Ảnh: Craig Stephens)

Trong số 1,4 tỷ dân, có ít nhất 340 triệu người Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu, lớn hơn toàn bộ dân số Hoa Kỳ. Theo kế hoạch, Bắc Kinh có thể tăng dân số trung lưu lên ước tính khoảng 500 triệu người vào năm 2025 và khoảng 750 triệu người vào năm 2035. Để hiện thực hóa điều này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ cần phải tăng gấp đôi vào năm 2035, trước đó con số này vừa tăng gấp đôi trong một thập kỳ. Phần lớn dân số nước này vẫn bị xếp vào nhóm thu nhập thấp hơn mặc dù trong những năm gần đây, nhiều nơi đã thoát cảnh nghèo cùng cực.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lo lắng rằng "Thịnh vượng chung" là một loại chiến dịch Robin Hood (lấy của người giàu chia cho người nghèo). Thế nhưng, theo các cơ quan quản lý kế hoạch này không nhấn mạnh đến phân phối của cải mà nhằm mục đích làm cho xã hội trở nên hiệu quả hơn và công bằng hơn, bằng cách thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội và phúc lợi.

Khu vực tư nhân (Trung Quốc có hơn 40 triệu DNVVN) cung cấp 50% doanh thu từ thuế, 60% tổng sản phẩm quốc nội, 70% hồ sơ bằng sáng chế và hơn 80% việc làm ở thành thị. Các thị trường chứng khoán nội địa chính của Trung Quốc tại thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến sôi động nhất thế giới với tổng khối lượng giao dịch hàng ngày vượt trội so với thị trường đứng thứ hai là New York. Trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh đã đưa ra các quy định nhắm vào các nền tảng internet, các nhà phát triển bất động sản, công ty dạy thêm sau giờ học, v.v. Những vấn đề này đều cho thấy sự nôn nóng của các nhà chức trách nhưng trên thực tế, "Thịnh vượng chung" xoay quanh những cải cách cơ cấu lâu dài để tạo ra một xã hội bền vững và bao trùm hơn. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho biết các mục tiêu sẽ mất nhiều thập kỷ để đạt được.

Theo thời gian, thị trường chứng khoán và các thị trường vốn khác sẽ được khuyến khích bước vào con đường sản xuất, đổi mới và năng lượng xanh. Trung Quốc đã mở sàn giao dịch chứng khoán thứ ba tại Bắc Kinh trong tuần này, nhấn mạnh sự hỗ trợ của ông Tập đối với thị trường vốn. Bên cạnh đó, chính phủ ban hành hạn chế đối với đầu tư bất động sản vì số lượng nhà dường như đang quá mức cần thiết và hình thành bong bóng. Công chúng Trung Quốc mong đợi các mục tiêu thịnh vượng chung sẽ đưa 800 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số toàn cầu đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực trong bốn thập kỷ qua, một lần nữa đổi đời.

Sau cùng, không thể đánh giá thấp những trở ngại từ căng thẳng địa chính trị đến dân số già và rủi ro bất động sản. Đối với Bắc Kinh, đây là những vấn đề khó cân bằng bởi lĩnh vực bất động sản đại diện cho khoảng 25% nền kinh tế Trung Quốc và 40% tài sản hộ gia đình. Ở các khu vực thành thị, ước tính có khoảng 87% hộ gia đình đã sở hữu tài sản riêng và nhiều hộ gia đình đã có ngôi nhà thứ hai. Giá nhà đã tăng 50% trong thập kỷ qua. Sự bùng nổ tài sản song song cùng các khoản nợ lớn khiến nền móng tài chính bị lung lay. Dân số già của Trung Quốc cũng là một cơn gió thổi ngược nhưng nhìn chung có thể bù đắp tác động bằng cải thiện năng suất và đổi mới.

Thành công lớn của Trung Quốc trong thời gian qua là lĩnh vực giáo dục. Mỗi năm, Trung Quốc đào tạo khoảng 9 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, vượt quá tổng số cộng lại của Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực khoa học, toán học và kỹ thuật. Hàng triệu trường dạy nghề hoàn thiện hơn với các kỹ năng kỹ thuật và thương mại. Với thị trường nhân tài của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, những vấn đề nêu trên đều có thể khắc phục.

Thục Anh