Sự thiếu hụt đồng trong tương lai có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng

16:58 14/07/2022

Đồng là kim loại của quá trình điện hóa và quá trình điện hóa là một phần lớn của quá trình chuyển đổi năng lượng. Chính vì vậy, sự thiếu hụt về nguồn cung của đồng có thể cản trở mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0.

Một công nhân dán nhãn các sản phẩm đồng tại nhà máy cáp Trường Phú, phía Bắc tỉnh Hải Dương, ngoại ô Hà Nội, Việt Nam ngày 11 tháng 8 năm 2017.

Sản phẩm đồng tại nhà máy phía Bắc tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Theo một báo cáo mới của S&P Global, sự thiếu hụt về nguồn cung của đồng có thể cản trở mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của nhiều quốc gia. Trừ khi nguồn cung được cải thiện đáng kể, nếu không các mục tiêu về khí hậu sẽ bị ngắt mạch và nằm ngoài tầm với.

Xe điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, và pin để lưu trữ năng lượng đều cần đến đồng. Theo S&P Global, một chiếc xe điện yêu cầu lượng đồng gấp 2,5 lần so với một chiếc xe động cơ đốt trong. Trong khi đó, năng lượng mặt trời và gió ngoài khơi lần lượt cần gấp 2 và 5 lần so với năng lượng được tạo ra từ khí đốt tự nhiên hoặc than đá. 

Đồng cũng là chìa khóa cho cơ sở hạ tầng vận chuyển năng lượng tái tạo, một phần nhờ tính dẫn điện của nó.  

Daniel Yergin, Phó Chủ tịch S&P Global, nói với CNBC: “Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ phụ thuộc nhiều vào đồng hơn là hệ thống năng lượng hiện tại của chúng ta. Đồng là kim loại của quá trình điện hóa và quá trình điện hóa là một  phần lớn của quá trình chuyển đổi năng lượng". 

Báo cáo dự báo nhu cầu đồng tăng gần gấp đôi trong thập kỷ tới lên 50 triệu tấn vào năm 2035. Đến năm 2050, nhu cầu sẽ đạt hơn 53 triệu tấn. S&P Global lưu ý rằng con số đó “nhiều hơn tất cả lượng đồng được tiêu thụ trên thế giới từ năm 1900 đến năm 2021”.

S&P Global dự báo lượng đồng cần thiết cho xe điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và pin sẽ tăng gấp ba lần vào giữa thập kỷ tới. Điều này sẽ xảy ra cùng với sự tăng trưởng nhu cầu từ các khu vực khác, đẩy nhu cầu của đồng lên mức chưa từng thấy. 

Để giải quyết vấn đề này không đơn giản là chỉ việc xây dựng các mỏ mới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một mỏ đồng mới mất 16 năm để khai thác.

Hiện tại, việc tăng cường sản xuất đồng tại các nhà máy hiện có và tăng cường tái chế có thể đáp ứng được một phần nhu cầu.

S&P Global đưa ra hai kịch bản dự báo thị trường trong tương lai sẽ diễn ra thế nào. Thứ nhất, việc sản xuất đồng vẫn được tiếp tục như bình thường, sự thiếu hụt nguồn cung hàng năm sẽ lên tới gần 10 triệu tấn vào năm 2035. 

Trong kịch bản tham vọng cao và lạc quan hơn, khi đó tăng cường sản xuất đồng nhiều hơn và tăng cường tái chế, thị trường sẽ vẫn thâm hụt vào năm 2030.

Báo cáo kết luận: “Theo cả hai kịch bản, sẽ không có đủ nguồn cung để đáp ứng mục tiêu đề ra là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050". 

Báo cáo của S&P Global được đưa ra trong bối cảnh giá đồng đang chịu nhiều áp lực. Nhìn chung, hàng hóa đã sụt giảm khi lo ngại suy thoái gia tăng, làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu.

Lyly