Sự đoàn kết của phương Tây trong việc chống lại Nga có bị lung lay khi giá nhiên liệu và thực phẩm tăng?

17:25 26/05/2022

Khi chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt - làm gia tăng các cuộc biểu tình chính trị và sự bất bình của công chúng trên khắp thế giới, đồng thời làm tăng nguy cơ suy thoái thì việc duy trì một sự đồng thuận có thể ngày càng trở nên thách thức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video trước một căn phòng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông đã cảm ơn phương Tây vì sự đoàn kết chống lại Nga. Nhưng ông cũng đưa ra lời cảnh báo đối với các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà điều hành doanh nghiệp: Đừng mất bình tĩnh.

"Tôi chỉ mong các bạn không mất đi cảm giác đoàn kết này", ông nói, đồng thời kêu gọi một lần nữa gây áp lực tối đa lên Moscow.

Ba tháng sau khi xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, các nhà lãnh đạo từ châu Âu và Mỹ nhấn mạnh rằng, họ vẫn cam kết tuân thủ các biện pháp trừng phạt chưa từng có trong nỗ lực buộc Tổng thống Vladimir Putin rút quân khỏi nước này.

Nhưng khi chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt - làm gia tăng các cuộc biểu tình chính trị và sự bất bình của công chúng trên khắp thế giới, đồng thời làm tăng nguy cơ suy thoái thì việc duy trì một sự đồng thuận có thể ngày càng trở nên thách thức.

Jason Furman, Giáo sư Harvard, người từng là cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Barack Obama, nói với CNN Business: “Tôi rất lo lắng về việc suy thoái kinh tế ở châu Âu và liệu châu Âu sẽ làm gì để đối phó với nền kinh tế nếu tiếp tục leo thang các lệnh trừng phạt.

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ đang chịu áp lực rất lớn để chứng minh rằng họ nghiêm túc trong việc chống lạm phát trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, mặc dù hầu hết các yếu tố gây ra nó, chẳng hạn như chuỗi cung ứng khó khăn và nhu cầu tiêu dùng cao, phần lớn là ngoài tầm kiểm soát của họ. Điều đó có thể làm phức tạp những nỗ lực tiếp tục gây áp lực lên Nga.
Những người tham dự phiên hội thảo vào ngày thứ ba của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 25 tháng 5.
Những người tham dự phiên hội thảo vào ngày thứ ba của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 25 tháng 5.

Giá nhiên liệu và thực phẩm tăng

Tại Davos, các nhà lãnh đạo từ chính phủ và doanh nghiệp nhấn mạnh rằng họ không thể đầu hàng Putin. 

Và các biện pháp trừng phạt lịch sử của phương Tây đối với Nga trong năm nay có thể là không đủ. Nền kinh tế Nga đã gặp nhiều khó khăn, nhưng đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến, một phần được hỗ trợ bởi nguồn thu từ dầu và khí đốt mạnh mẽ. Điều đó cho phép ngân hàng trung ương giảm lãi suất vào mới đây.

"Chúng ta phải ngừng thỏa hiệp", Eduard Heger, Thủ tướng Slovakia nói trong một cuộc thảo luận của ban hội thẩm. 

Phát biểu trước những vị khách ăn tối, Soros cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể đánh dấu sự khởi đầu của Thế chiến III, và nói rằng Putin phải bị đánh bại "càng sớm càng tốt" nếu thế giới muốn bảo tồn nền văn minh.

Nhưng bối cảnh kinh tế có thể khiến cuộc sống của các chính trị gia ở quê nhà trở nên khó khăn hơn. Lạm phát hàng năm của 19 quốc gia sử dụng đồng euro đạt 7,4% vào tháng 4, mức cao nhất mọi thời đại. Tại Hoa Kỳ, lạm phát ở mức 8,3% và ở Vương quốc Anh là 9%.

Một yếu tố lớn là chi phí năng lượng. Chúng vốn đã tăng lên do mất cân bằng cung cầu sau đại dịch, nhưng thậm chí còn tăng cao hơn do những nỗ lực của châu Âu nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Một lệnh cấm vận dầu mỏ đã được thực hiện bởi các quốc gia không giáp biển như Hungary và Cộng hòa Séc, họ nói rằng sẽ cần nhiều năm để thực hiện chuyển đổi sang các nhà cung cấp hoặc nguồn năng lượng khác. Tuy nhiên, họ dự kiến ​​sẽ được thống nhất trong những tuần tới.

Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, cho biết: "Tình hình kinh tế chắc chắn đang gặp nhiều thách thức. Nhưng tôi không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng đến sự đồng thuận đối với dầu mỏ".

Tuy nhiên, những động thái quyết liệu sẽ có hậu quả. Nỗi lo thiếu hụt năng lượng đã đẩy giá lên cao đáng kể. Tại Hoa Kỳ, giá trung bình của một gallon xăng thông thường đạt mức kỷ lục 4,60 đô la vào thứ Năm (26/5). Tình hình còn tồi tệ hơn ở châu Âu. Dữ liệu gần đây cho thấy các người lái xe ở Vương quốc Anh phải trả 8,06 đô la cho mỗi gallon và 8,43 đô la cho mỗi gallon ở Đức.

Đồng thời, giá lương thực đang tăng vọt do chiến tranh làm gián đoạn xuất khẩu các sản phẩm chủ chốt như lúa mì và dầu hướng dương, và khi một số quốc gia như Ấn Độ sau đó ban hành lệnh cấm xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung trong nước. Trong tháng 4, giá thực phẩm ở Đức tăng 8,6% so với năm trước.

"Đây là nơi mà tác động của cuộc chiến ở Ukraine ngày càng trở nên rõ ràng hơn", Georg Thiel, Chủ tịch Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, cho biết hồi đầu tháng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lưu ý trong tuần này rằng "chính các quốc gia mong manh và dân số dễ bị tổn thương là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất." Bà nói thêm, giá bánh mì đã tăng 70% ở Lebanon và các chuyến hàng thực phẩm từ Odessa của Ukraine đã không thể đến Somalia, nơi đang chống chọi với đợt hạn hán kinh hoàng. Các cuộc biểu tình vì giá cả tăng cao đã nổ ra ở Peru và dẫn đến việc lật đổ thủ tướng ở Sri Lanka.

Các nhà kinh tế lo ngại, việc giảm chi tiêu có thể gây ra suy thoái, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để cố gắng kiềm chế lạm phát.

"Có rất nhiều rủi ro thực sự đối với nhiều người", Giám đốc điều hành Oxfam International, Gabriela Bucher nói với CNN Business. Cô nói thêm, ngay cả trong "thế giới giàu có, vẫn có những người đang phải vật lộn để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ vào lúc này".

Chính phủ Anh hôm thứ Năm (26/5) công bố mức thuế thu được 6,3 tỷ USD đối với các công ty dầu mỏ để tài trợ cho các khoản thanh toán cho những người đang gặp khó khăn với các hóa đơn năng lượng.

Tương lai của đoàn kết phương Tây

Các quan chức Mỹ và châu Âu cùng các công ty hàng đầu cho rằng chiến thắng của Ukraine là rất quan trọng. Cuộc chiến tàn khốc và cuộc khủng hoảng nhân đạo phải kết thúc, và các giá trị dân chủ phải chiếm ưu thế, điều mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi là "bước ngoặt" đối với thế giới.

David Rubenstein, tỷ phú sáng lập của Carlyle Group, nói với CNN Business: “Khó có thể thấy vấn đề nào khiến người phương Tây đoàn kết nhiều như vấn đề này. Tôi không nghĩ rằng mức giá gia tăng sẽ thay đổi quan điểm của bất kỳ ai". 

Các quan chức Mỹ cũng coi việc đứng lên chống lại Putin là cấp thiết để hạn chế tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà họ cho rằng đang theo dõi sát sao tình hình diễn ra.

Nhưng cân bằng giữa chính trị và mối quan tâm kinh tế sẽ không đơn giản. Ông Rahman nói, đây có thể trở thành một vấn đề lớn hơn trong trường hợp Nga leo thang nghiêm trọng. Điều đó có thể gây ra những lời kêu gọi lớn hơn về lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt tự nhiên của Nga, vốn chiếm 45% nguồn cung cấp của châu Âu vào năm ngoái. Việc di chuyển nhiều bằng đường ống dẫn đến khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Các công ty, trong khi gửi điện tín về sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine, cũng lo lắng về áp lực ngày càng tăng đối với doanh nghiệp của họ. Herbert Diess, Giám đốc điều hành của Volkswagen, nói với CNN Business rằng, tác động đầy đủ của việc tăng chi phí nguyên vật liệu và lạm phát sẽ không rõ ràng trong 6 hoặc 12 tháng nữa, điều này tạo ra một môi trường hoạt động "thực sự khó khăn".

Ông nói: “Chúng ta nên đạt được điều gì đó bằng các biện pháp trừng phạt. Cho đến nay, về cơ bản chúng ta đang đi từ leo thang này sang leo thang khác và chúng ta không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta liệu sẽ kết thúc các biện pháp trừng phạt như thế nào?"

Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đã gây ra phản ứng dữ dội vào đầu tuần này khi ông xuất hiện và gợi ý rằng Ukraine nên đồng ý nhường phần lớn Donbas và Crimea cho Putin.

"Các cuộc đàm phán cần phải bắt đầu trong hai tháng tới trước khi nó tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua", Kissinger nói. .

Tuy nhiên, nền kinh tế suy yếu và lạm phát cao có thể đè nặng lên các chính trị gia, làm dấy lên cảnh báo từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.“Tự do quan trọng hơn thương mại tự do. Việc bảo vệ các giá trị của chúng tôi quan trọng hơn lợi nhuận”, Stoltenberg nói tại Davos.

Cẩm Tú