Sri Lanka: Quân domino đầu tiên bị đổ do khủng hoảng nợ toàn cầu

13:42 13/05/2022

Sri Lanka – một quốc gia tại Nam Á là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với áp lực kinh tế gia tăng bởi cuộc chiến của Nga với Ukraine, nhưng đây có thể sẽ không phải là quốc gia cuối cùng.

 

Cuộc khủng hoảng nợ đang làm gián đoạn cuộc sống trên khắp Sri Lanka, nơi mà lương thực và nhiên liệu đột nhiên không có sẵn hoặc bị định giá cắt cổ. Các cuộc biểu tình đang gia tăng nhanh chóng.
Cuộc khủng hoảng nợ đang làm gián đoạn cuộc sống trên khắp Sri Lanka, nơi mà lương thực và nhiên liệu đột nhiên không có sẵn hoặc bị định giá cắt cổ. Các cuộc biểu tình đang gia tăng nhanh chóng.

Sự ra đi của thủ tướng Sri Lanka, Mahinda Rajapaksa, đã kéo theo sau đó là nhiều tuần biểu tình, bạo động và khủng hoảng nợ tại đây ngày càng trầm trọng. Sri Lanka đang dần đi đến vỡ nợ- với khoản dự trữ quốc gia chỉ còn 50 triệu đô la Mỹ cuối cùng.

Một nhóm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tuần này đã bắt đầu làm việc với các quan chức ở Colombo về một gói cứu trợ sẽ bao gồm một gói cải cách khó khăn cũng như hỗ trợ tái định hình lại hệ thống tài chính tại Sri Lanka. Nhưng IMF và tổ chức có liên kết chặt chẽ như Ngân hàng Thế giới, biết rất rõ, điều này không chỉ là do sự quản lý yếu kém của một quốc gia riêng lẻ. Các nhà phân tích sợ rằng Sri Lanka chỉ là quân domino đầu tiên bị đổ xuống dưới áp lực khủng hoảng nợ.

Trên khắp thế giới, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng với ba mũi nhọn: đại dịch, chi phí nợ tăng cao và giá thực phẩm cùng nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine và việc phong tỏa tại Trung Quốc.

David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã giải thích những lo ngại của mình tại cuộc họp mùa xuân của tổ chức vào tháng trước. “Tôi vô cùng quan tâm đến các nước đang phát triển,” Malpass nói. “Họ đang phải đối mặt với việc tăng giá đột ngột đối với năng lượng, phân bón và thực phẩm, và khả năng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng”.

Ủy ban Liên hợp Quốc đã và đang nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này. Cơ quan thương mại và phát triển, UNCTAD, cho biết trong một báo cáo gần đây rằng có 107 quốc gia phải đối mặt với ít nhất một trong ba cú sốc: giá lương thực tăng, giá năng lượng tăng hoặc điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Có tới 69 quốc gia đã phải đối mặt với cả 3 yếu tố trên - 25 quốc gia ở châu Phi, 25 ở châu Á, và 19 ở châu Mỹ Latinh và Thái Bình Dương.

Danh sách các quốc gia có vẻ dễ bị tổn thương rất dài và đa dạng. IMF đã mở các cuộc đàm phán giải cứu với Ai Cập và Tunisia - cả hai nước nhập khẩu lúa mì lớn từ Nga và Ukraine - và với Pakistan, quốc gia đã áp dụng biện pháp cắt giảm điện do chi phí năng lượng nhập khẩu quá cao. Các quốc gia châu Phi cận Sahara đang được theo dõi cẩn thận bao gồm Ghana, Kenya, Nam Phi và Ethiopia. Argentina gần đây đã ký một thỏa thuận nợ trị giá 45 tỷ USD với IMF, với các quốc gia Mỹ Latinh khác đang gặp rủi ro bao gồm El Salvador và Peru.

Trong nhiều tháng đã có suy đoán rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quân cờ domino đầu tiên sụp đổ, dù tỷ lệ lạm phát hàng năm lên tới 70%, nhưng với cách tiếp cận độc đáo để quản lý kinh tế, nền kinh tế vẫn đứng vững. Không giống như một số quốc gia khác đang bị đe dọa, Thổ Nhĩ Kỳ có thể nuôi sống người dân của mình.

Richard Kozul-Wright, giám đốc bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa tại UNCTAD, cho biết: “Các quốc gia đều có những vấn đề trong nước nhưng hầu hết các cú sốc không liên quan gì đến những vấn đề đó. Đại dịch và chiến tranh không liên quan gì đến những quốc gia này, nhưng nó lại dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong việc vay nợ. "

Ngân hàng Thế giới cho biết gần 60% các quốc gia có thu nhập thấp nhất đang lâm vào cảnh căng thẳng do nợ hoặc có nguy cơ cao, khi tình hình chính trị thế giới bất ổn và chi phí vay nợ đang tăng mạnh, đặc biệt là đối với những quốc gia tích lũy các khoản nợ bằng ngoại tệ. Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn của đồng đô la Mỹ, đẩy giá trị các đồng tiền của thị trường mới nổi đi xuống. Lãi suất cao hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã làm phức tạp thêm vấn đề.

Các cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi không có gì mới, nhưng Kozul-Wright cho biết cộng đồng quốc tế đã thiếu chuẩn bị để đối phó với vấn đề nợ nần chồng chất. Ông nói: “Hệ thống chỉ có thể giải quyết những vấn đề này theo từng quốc gia. Nhưng đây là những vấn đề mang tính hệ thống và hiện tại không có cách nào để giải quyết chúng một cách hệ thống."

 Anh Dũng