Sơ lược về bầu cử Tổng thống Mỹ và quan điểm trái chiều của người Mỹ đối với ông Donald Trump

10:30 18/11/2020

Trong lịch sử Hoa Kỳ qua các cuộc bầu cử Tổng thống, các ứng viên tranh cử và giành chiến thắng hầu hết là ứng viên thuộc Đảng dân chủ (Democratic Party) hoặc ứng viên thuộc Đảng cộng hòa (Republican Party).

 Sơ lược về bầu cử Tổng thống Mỹ

Theo Tu chính án 22 của Hiến pháp Hoa Kỳ thì kể từ năm 1951 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ có thời hạn 4 năm cho mỗi nhiệm kỳ và mỗi Tổng thống chỉ được tối đa 2 nhiệm kỳ. Sau mỗi nhiệm kỳ sẽ có kỳ bầu cử toàn quốc để bầu ra ứng viên Tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo. Ngày đi bầu cử trực tiếp chính thức thường là những ngày đầu tháng 11 hoặc nhiều người dân Hoa Kỳ cũng có thể bầu cử sớm bằng hình thức bỏ phiếu qua thư và ngày nhậm chức của Tổng thống được bầu là ngày 20/01 của năm mới (cũng là ngày kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống cũ). Cũng theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Tổng thống là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo ngành hành pháp của Chính phủ liên bang và được xem như tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tổng thống còn có quyền đề cử các viên chức tư pháp và hành pháp với sự ưng thuận của Thượng viện. Tổng thống cùng Phó Tổng thống chính là hai viên chức liên bang duy nhất được toàn quốc Hoa Kỳ lên.

Mặc dù là cuộc bầu cử toàn quốc cho người dân bầu Tổng thống, nhưng lá phiếu của người dân Hoa Kỳ (còn gọi là Cử tri phổ thông) được xem như bầu một cách gián tiếp thông qua Cử tri đoàn (Electoral College) và các Đại cử tri (Electors) mới là người trực tiếp quyết định ai sẽ là người thắng cuộc cho cuộc đua vào Nhà trắng. Những Đại cử tri này do Cử tri phổ thông bầu ra, đại diện của từng tiểu bang để đại diện cho người dân bầu Tổng thống. Thông thường những Đại cử tri rất trung thành với Đảng cũng như ứng viên tranh cử Tổng thống thuộc Đảng của Đại cử tri nên lá phiếu Đại cử tri hầu như chắc chắn sẽ bầu cho ứng viên Tổng thống thuộc Đảng của mình. Mỗi tiểu bang có 2 Thượng nghị sĩ, trong khi số lượng Hạ nghị sĩ (Dân biểu) được quyết định dựa vào dân số của tiểu bang đó. Có nghĩa rằng tiểu bang nào càng nhiều dân số thì sẽ có nhiều Hạ nghị sĩ.

Hiện nay, 3 tiểu bang có Đại cử tri (Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ) nhiều nhất lần lượt là California 55 Đại cử tri, Texas 34 Đại cử tri và New York 31 Đại cử tri. Do đó, tổng số phiếu Đại cử tri của Hoa Kỳ là 538 phiếu, trong đó số lượng Thượng nghị sĩ là 100 phiếu, số lượng Hạ nghị sĩ là 435 phiếu và 3 phiếu là đại diện của đặc khu Washington DC. Ứng viên Tổng thống phải đạt hơn ½ tổng số 538 phiếu Đại cử tri là 270 phiếu thì mới chính thức chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Do đó, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông không phải lúc nào cũng dẫn đến chiến thắng cuối cùng để trở thành Tổng thống Mỹ. Điển hình như trong cuộc bầu cử Tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ năm 2016 giữa bà Hilary Clinton và ông Donald Trump khi kết quả lá phiếu phổ thông của người dân bỏ phiếu ủng hộ bà Hilary Clinton hơn 3 triệu phiếu nhưng vẫn thất bại trong cuộc đua vào Nhà trắng khi ông Donald Trump có 306 phiếu Đại cử tri (đạt yêu cầu trên 270 phiếu) so với 232 phiếu Đại cử tri mà bà Hilary Clinton có được để Donald Trump giành chiến thắng chung cuộc và trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Sự khác biệt giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong chính trị Hoa Kỳ |  NTD Việt Nam (Tân Đường Nhân)

Ứng viên thuộc Đảng dân chủ (Democratic Party) hoặc thuộc Đảng cộng hòa (Republican Party) đều giành chiến thắng trong hầu hết các cuộc bầu cử Tổng thống

Trong lịch sử Hoa Kỳ qua các cuộc bầu cử Tổng thống, các ứng viên tranh cử và giành chiến thắng hầu hết là ứng viên thuộc Đảng dân chủ (Democratic Party) hoặc ứng viên thuộc Đảng cộng hòa (Republican Party). Trong 50 tiểu bang cùng một đặc khu Washington DC bầu cử Thổng thống thường sẽ có những tiểu bang hoàn toàn nghiêng về ủng hộ cho ứng viên Đảng dân chủ (còn gọi bang màu xanh) hoặc ủng hộ ứng viên Đảng cộng hòa (còn gọi bang màu đỏ). Tuy nhiên, những tiểu bang ủng hộ này không đủ số lượng 270 số phiếu Đại cử tri nên sự thắng bại trong cuộc đua vào nhà trắng giữa các ứng viên hai Đảng thường là tranh giành lá phiếu tại các tiểu bang chiến trường (battleground state) hoặc bang dao động (swing state) hay còn gọi là bang màu tím (purple state). Những tiểu bang này không chắc chắn nghiêng về Đảng nào nhưng lại có tính quyết định số phiếu đại cử tri sẽ giúp cho ứng viên nào vượt qua 270 phiếu đại cử tri để đủ điều kiện dành chiến thắng chung cuộc cho cuộc bầu cử Tổng thống. Do đó, các tiểu bang chiến địa này được các ứng viên của Đảng dân chủ và Đảng cộng hòa cạnh tranh rất quyết liệt. 

Quan điểm trái chiều của người Mỹ đối với Tổng thống Donald Trump

Thành quả mà ông Donald Trump đã làm được nhiều việc trong nhiệm kì Tổng thống trước COVID-19 xảy ra với Hoa Kỳ là rất lớn khi ông hầu như đã thực hiện các lời hứa, lời cam kết lúc ông tranh cử Tổng thống. Những thành quả nổi bật như ông siết chặt vấn đề di trú, ra sắc lệnh cấm nhập cảnh các nước Hồi Giáo mà ông cho rằng có khả năng gây nguy hại cho nước Mỹ và xây dựng bức tường biên giới với Mexico để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Ông thực hiện các cải tổ kinh tế đã giúp cho nền kinh tế Hoa Kỳ khôi phục mạnh mẽ khi chỉ số chứng khoán Dow Jones có nhiều thời điểm tăng kỉ lục trên 29,000 điểm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức chỉ 3,5% vào tháng 09/2019, đây được xem là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hàng chục năm qua so với các đời Tổng thống trước kể từ năm 1969. Donald Trump cho rằng Trung Quốc có tham vọng bành trướng toàn cầu từ kinh tế đến quân sự và không phải là đối tác đáng tin cậy.

Ông đã đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ở cuộc chiến thương mại, rút các tập đoàn của Mỹ rời khỏi Trung Quốc, đẩy mạnh chiến dịch quân sự và sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Ông trục xuất khẩn cấp các nhà ngoại giao, những thành phần ông cho là ăn cắp công Mỹ nghệ và làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh. Tổng thống Donald Trump công nhận vùng đất thánh tranh chấp Jerusalem là thủ đô của Israel, làm trung gian cho hiệp định hòa bình Israel và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ông chỉ trích công khai tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có các chính sách mạnh mẽ đối với vấn đề hạt nhân, các quốc gia độc tài như Bắc Triều Tiên, Iran và các quốc gia xã hội chủ nghĩa như Venezuela, Cuba.

Với những chính sách cứng rắn ông đã thực hiện như cam kết lúc tranh cử đã góp phần lớn mang lại những thành quả nhất định cho Hoa Kỳ. Nhiều người ủng hộ Trump một cách tuyệt đối những gì Donald Trump đã làm, tính cách bộc trực khó đoán và những cuộc chiến với giới truyền thông Mỹ tạo nên thương hiệu của Donald Trump khiến họ cho rằng khó có Tổng thống nào có thể làm được như ông. Những người ủng hộ tin rằng nếu ông tái đắc cử Tổng thống nhiệm kì 2 sẽ điều hành đất nước Mỹ khôi phục kinh tế, công ăn việc làm và vượt qua cơn đại dịch COVID-19 để Hoa Kỳ tiếp tục là quốc gia hùng cường trên thế giới như khẩu hiệu ông đã sử dụng khi tranh cử năm 2016 là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) và khẩu hiệu năm 2020 là “Giữ nước Mỹ vĩ đại” (Keep America Great).

Do đó, trong các cuộc vận động tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, bất chấp dịch bệnh COVID-19, nhiều người đã tập trung rất đông trong hầu hết các sự kiện tranh cử mà ông phát biểu, hình ảnh của ông tràn ngập trên mạng truyền thông xã hội với lượt theo dõi lên đến hàng triệu người. Làn sóng ủng hộ Trump không chỉ ở Mỹ mà còn lan rộng tại nhiều nước trên thế giới từ Châu Âu, Châu Á, Châu Úc. Nhiều người Việt tại Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ cho Tổng thống Donald Trump khi tổ chức các cuộc tuần hành treo cờ ủng hộ Trump, quyên góp chi phí cho chiến dịch bầu cử Tổng thống Trump qua website: www.donaldjtrump.com và bỏ phiếu ủng hộ ông.

Ngược lại, từ khi đại dịch viêm phổi COVID-19 từ Trung Quốc xuất hiện và lây lan đến Mỹ cũng như toàn cầu đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ. Theo số liệu thống kê từ Worldometer vào ngày 14/11/2020, trên thế giới có trên 54,325,757 nhiễm bệnh COVID-19 và số người chết là 1,318,241. Hoa Kỳ có số người mắc bệnh cao nhất thế giới khi ghi nhận 11,226,038 trường hợp mắc bệnh COVID-19 và 251,256 đã qua đời. Điều này đã tác động không nhỏ đến uy tín của ông với vai trò là Tổng thống điều hành quốc gia khi để nhiều người dân mắc bệnh và qua đời do đại dịch viêm phổi từ Trung Quốc này. Chính sự ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 và việc đóng cửa toàn quốc để tránh dịch cũng đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Hoa Kỳ cùng tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Mỹ thống kê về tỷ lệ tử vong và tính nhạy cảm của covid-19 ở điều kiện thời  tiết nóng ẩm | Vinmec

Ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Hoa Kỳ cùng tỉ lệ thất nghiệp tăng cao

Bên cạnh đó làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc dẫn đến bạo loạn khi một người da đen tên là George Floyd bị cảnh sát da trắng tì cổ và qua đời tại bệnh viện. Black Lives Matter (BLM) là tổ chức đứng đầu cuộc biểu tình và đã phát động phong trào biểu tình diễn ra ở hầu hết các tiểu bang của nước Mỹ. Mặc dù những chính sách cứng rắn, phát biểu bộc trực được nhiều người ủng hộ nhưng bên cạnh đó nhiều người dân Mỹ cho rằng những hành động và bình luận của ông Donald Trump mang tính phân biệt chủng tộc. Thành viên Đảng dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện đã tìm lý do Donald Trump lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội để luận tội Donald Trump vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, vào tháng 02/2020 các thành viên thuộc Đảng cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện đã tuyên bố trắng án cho tất cả tội danh trên cho Donald Trump.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều vấn đề tranh cãi giữa một bên là Tổng thống Donald Trump và nội các chính phủ của ông cùng thành viên Đảng cộng hòa với một bên là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng các thành viên Đảng dân chủ đã dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong chính trường nước Mỹ, đỉnh điểm là việc thất bại trong việc thống nhất giữa thành viên lãnh đạo thuộc hai Đảng để đưa ra các gói kích cầu hỗ trợ đợt 2 (Stimulus Package) cho người dân Hoa Kỳ vượt qua cơn đại dịch COVID-19. Điều này cũng ít nhiều làm cho nhiều người dân Hoa Kỳ thất vọng với chính quyền hiện tại dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, phía Joe Biden có chiến dịch yên ắng hơn những gì mà bên phía ông Donald Trump đã làm cũng như chiến dịch phía ông Joe Biden không cho thấy được sự hoành tráng, mạnh mẽ, ồn ào như các chiến dịch tranh cử bên phía ông Donald Trump. Tuy nhiên, người ủng hộ Joe Biden cho rằng dưới sự điều hành của Donald Trump những vấn đề di trú, phúc lợi xã hội, sắc tộc đã gieo “nỗi sợ hãi” cho người có thu nhập thấp, những người nhập cư chịu nhiều điều bất lợi nên họ ủng hộ ứng viên Đảng dân chủ khi tin rằng chính quyền dưới thời Joe Biden sẽ giữ một vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm sự xoá bỏ những bất công xã hội, bình đẳng và người dân nghèo được hưởng các dịch vụ xã hội một cách tốt nhất có thể. Nước Mỹ vốn dĩ được gọi là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ bởi sự đa sắc tộc cùng dân nhập cư từ khắp nơi trên thế giới đến đã góp phần xây dựng Hoa Kỳ thành cường quốc như ngày hôm nay.

Bầu cử Mỹ: Bản đồ đại cử tri năm 2020 có gì khác so với năm 2016? | VOV.VN

Chiến dịch bầu cử năm 2020 diễn ra giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2004 với tựa đề “Tư duy như một tỷ phú Mỹ”, Donald Trump đã cho biết rằng lịch sử gia tộc bên nội của ông có nguồn gốc từ một luật sư người Đức có tên là Hanns Drumpff từ năm 1608, mẹ của ông là Mary Anne MacLeod chính là một người gốc Scotland và người vợ của ông hiện nay là đệ nhất phu nhân Melania Knauss cũng là người gốc Slovenia. Cựu tổng thống Obama và đệ nhất phu nhân Michelle LaVaughn Robinson là người Mỹ gốc Phi trong khi bà Kamala Harris là ứng cử viên phó tổng thống của ông Joe Biden là người Mỹ gốc Á và Phi vì cha của bà là người gốc Phi còn mẹ bà là người gốc Ấn Độ.

Ngoài ra, nhà sáng lập Google Sergrey Brin và doanh nhân nổi tiếng với thương hiệu TESLA là Elon Musk cũng đều là những người có nguồn gốc nhập cư. Nước Mỹ được xem là miền đất hứa (The Promised Neverland) và rất nhiều nhân tài trên thế giới đã đến Hoa Kỳ để thực hiện giấc mơ Mỹ của họ (American Dream). Như trong bài viết trước đây với chủ đề “từ làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc đến góc khuất của nước Mỹ” chúng ta thấy rằng nước Mỹ đằng sau ánh hào quang vẫn còn nhiều điểm hạn chế, bất công. Do đó, những người nhập cư khi trở thành công dân Hoa Kỳ (US Citizenship) sẽ có nhiều người thành công nhưng ngược lại cũng có rất nhiều người chỉ thuộc tầng lớp lao động phổ thông bình thường, thậm chí là nằm trong nhóm những người nghèo khó. Vì vậy, những tầng lớp này thường có xu hướng ủng hộ cho ông Joe Biden thuộc Đảng dân chủ hơn so với ông Donald Trump thuộc Đảng cộng hòa.

Tiến sĩ Trần Duy Nam (Viết từ Hoa Kỳ)