Bản quyền vaccine Covid-19 vẫn là bài toán khó giải

15:37 13/05/2021

Quyết định của Mỹ về việc ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 được nhiều người ủng hộ nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc này không giúp cải thiện khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển.

Mỹ ủng hộ việc từ bỏ bảo hộ đối với vaccine COVID-19

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay từ khi Covid-19 bùng phát và các nước bắt đầu nghiên cứu vaccine, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, và đàm phán với các nhà đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước.

''Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận một số nguồn cung cấp vaccine và đã có cam kết cung ứng vaccine từ chương trình COVAX và từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine AstraZeneca'' - người phát ngôn nói. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên.

   Ảnh minh họa

Bà Hằng nhấn mạnh: ''Để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới''.

"Ngoài những nguồn vắc xin và các nhà sản xuất đã cam kết cung ứng, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán với đối tác khác nhau để đa dạng hóa nguồn vaccine". Theo Bộ Y tế, hơn 1,6 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca sẽ được chuyển tới Việt Nam vào ngày 16/5.

Ngoài vắc xin nhập khẩu, Việt Nam cũng đang thúc đẩy việc phát triển vaccine trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến có thể được sử dụng trong năm 2022, để có thể chủ động nguồn cung vaccine, bảo đảm an ninh y tế, và chủ động ứng phó khi có đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ - bà Katherine Tai tuyên bố, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng chính quyền Mỹ "ủng hộ việc từ bỏ các biện pháp bảo hộ đối với vaccine COVID-19". Ngày 5/5/2021, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vắc xin Covid-19 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và phân phối trên khắp thế giới. Tuy việc từ bỏ sẽ không diễn ra ngay lập tức do phải có đồng thuận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng quyết định của Washington được đánh giá sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình đạt được quyết định này.

Kỳ vọng miễn trừ bản quyền vaccine COVID-19

Ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế muốn tạm thời giành quyền kiểm soát bằng sáng chế vaccine từ tay các công ty dược phẩm. Họ hy vọng rằng việc sản xuất vaccine có thể được mở rộng nhanh chóng mà không phải lo lắng về quyền sở hữu trí tuệ, phí cấp phép hoặc các thách thức pháp lý.

Những người ủng hộ việc tạm thời từ bỏ bằng sáng chế đưa ra ví dụ dẫn chứng về đại dịch HIV/AIDS. Khi liệu pháp điều trị kháng virus HIV (ARV) xuất hiện trên thị trường ở các nước giàu vào những năm 1990, nó gần như ngay lập tức ngăn chặn các ca tử vong do AIDS. Nhưng mức giá cao của phương pháp điều trị này khiến nó trở nên khó tiếp cận đối với các bệnh nhân HIV ở châu Phi và hầu hết các nước nghèo khác, nơi hàng triệu người sau đó đã tử vong.

Ấn Độ và Nam Phi đang yêu cầu áp dụng nguyên tắc tương tự đối với vaccine phòng Covid-19. Hai nước này đã đệ đơn lên WTO vào tháng 10/2020. Đại hội đồng WTO đã thảo luận về vấn đề này trong tháng 5/2021 tại Geneva, nhưng sự đồng thuận cần thiết để đáp ứng yêu cầu này dường như nằm ngoài tầm với cho đến khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tuyên bố thay đổi lập trường một cách ngoạn mục về việc tuyên bố ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vaccine Covid-19.

Khó bỏ bản quyền

Các công ty dược phẩm tỏ ra không hài lòng với quyết định này. Trong nhiều tháng, các công ty đi đầu trong ngành sản xuất vaccine đã nhấn mạnh rằng họ chỉ có thể tiếp tục các dự án nghiên cứu lâu dài nếu kiếm được tiền từ chúng. Họ cho rằng việc rút lại quyền này sẽ không khuyến khích đầu tư vào các dự án nghiên cứu lâu dài và có thể làm chậm các tiến bộ y tế.

Hiệp hội các công ty dược phẩm dựa trên nghiên cứu ở Đức cảnh báo rằng nếu không có bảo hộ bằng sáng chế, các nhà sản xuất ban đầu sẽ không còn động lực sản xuất vaccine nhanh nhất có thể để phân phối trên toàn thế giới.

Một số nhà kinh tế đồng ý với họ. Họ cho rằng thế giới nên trợ cấp thêm cho các công ty dược phẩm để sản xuất thêm vaccine. Họ cho rằng một cơ chế khuyến khích như vậy sẽ hiệu quả hơn việc đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế. 

Họ cũng thể hiện một mức độ linh hoạt khác thường khi ký hơn 150 hợp đồng với các nhà sản xuất bên ngoài để mở rộng sản xuất. Ví dụ, vaccine AstraZeneca đang được sản xuất ở Ấn Độ, Brazil và Argentina. Gã khổng lồ dược phẩm Sanofi của Pháp đang hỗ trợ Moderna và BioNTech đóng gói vaccine. Công ty hóa chất đa quốc gia Bayer, vốn không có kinh nghiệm sản xuất vaccine, đang hỗ trợ công ty Curevac có trụ sở tại Tübingen sản xuất và giao hàng.

Liên minh châu Phi tuyên bố: "Lịch sử sẽ ghi nhớ quyết định của Chính phủ Mỹ là điều đúng đắn vào đúng thời điểm để chống lại thách thức khủng khiếp này".

Ban đầu Liên minh châu Âu (EU) không ủng hộ. Sau tuyên bố của tổng thống Mỹ hôm 5/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lại khẳng định "sẵn sàng thảo luận bất kỳ đề xuất nào để giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả và thực tế".

Pháp từ phản đối chuyển sang ủng hộ. Thụy Sĩ có ngành công nghiệp dược phẩm nặng ký đã phản đối. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ. Trong khi đó, Đức cảnh báo: "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của đổi mới và trong tương lai phải tiếp tục duy trì".  

Phạm Giang