Sao vẫn làm khó doanh nghiệp?

00:00 12/10/2020

Thay vì nhận được sự hậu thuẫn tối đa từ các cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên với những đề xuất chính sách mới. Khó khăn lại cộng dồn.

Doanh nghiệp đứng ngồi trên lửa

Tình cờ cùng một buổi sáng, chỉ cách nhau một con phố ở trung tâm Hà Nội, hai nhóm doanh nghiệp cùng nóng ruột nhắc đến Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

“Nguyên liệu sản xuất trong kho chỉ còn 1 tháng. Giả sử bây giờ, Thông tư 15/2019/TT-BKHCN được gia hạn hiệu lực, chúng tôi đặt hàng ngay, thì phải mất tháng rưỡi nữa nguyên liệu mới đến cảng. Nhưng đến giờ chưa có thông tin gì, tôi e phải để 1/3 số lao động nghỉ luân phiên”, ông Phạm Chung Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gia Anh trăn trở.

Ông Trần Việt Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Inox Hòa Bình cũng chung nỗi lo. “Chúng tôi có thể phải cho hơn 100 lao động tạm nghỉ vì không còn nguyên liệu sản xuất. Doanh nghiệp không có doanh thu, lao động không có thu nhập, nhưng còn tiền vay ngân hàng đến hạn phải trả…”, ông Cường nói.

Gần 1 tháng trước, ông Chung Anh, ông Cường và nhóm doanh nghiệp trong ngành thép không gỉ đã có cuộc đối thoại với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khi Thông tư 15/2019/TT-BKHCN về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ có hiệu lực vào ngày 1/6/2020 gần như chặn đứng nguồn nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp.

Theo Thông tư 15, thép không gỉ thuộc các mã HS quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 20:2019/BKHCN phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia khác và không được áp dụng tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự công bố, gọi là tiêu chuẩn cơ sở.

Vấn đề là, các doanh nghiệp không nhận được thông tin về việc xây dựng thông tư này cũng như không có thông tin về quy định mới cho đến khi có hiệu lực, nên không có cơ hội góp ý vào những nội dung không phù hợp thực tế. Thông tin sau cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã nhắc tới phương án gia hạn hiệu lực, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng đến nay, chưa có tin chính thức.

Ông Chung Anh tính nhẩm, chỉ riêng gần 30 doanh nghiệp cùng nhau ký đơn gửi Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đề nghị trả lời sớm, nếu phải tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, số lao động bị ảnh hưởng tới cả ngàn người.

Cùng ngồi trên lửa như doanh nghiệp thép không gỉ, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã gọi nhau để có mặt tại Hội thảo khoa học Đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và lấy ý kiến đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nghị định này và các văn bản hướng dẫn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, vì dự thảo sửa đổi Nghị định sẽ mở  phạm vi tới hàng xuất khẩu, nên VASEP đã chủ động liên hệ với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng để được tham gia Hội thảo, có ý kiến.

Hiện tại, theo ông Nam, mẫu nhãn hàng mà các nhà nhập khẩu gửi cho doanh nghiệp Việt Nam dán trên bao bì theo đơn hàng của họ có 3 thông tin liên quan đến Việt Nam. Đó là thông tin của doanh nghiệp sản xuất, dòng chữ “sản xuất tại Việt Nam”, nguyên liệu nuôi, trồng tại Việt Nam.

“Họ gửi mẫu nhãn hàng tương tự cho nhà sản xuất ở Thái Lan, Indonesia, Ecuador… Nếu doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu bổ sung thông tin theo quy định mới, họ sẽ phải tuân thủ, phải thiết kế lại mẫu, nhưng doanh nghiệp  sẽ phải bỏ thêm chi phí. Với quy định về mã số, mã vạch thì câu hỏi của chúng tôi vẫn là tại sao cả thế giới không quy định, chúng ta lại làm khó doanh nghiệp, làm khó hàng xuất khẩu của mình như vậy?”, ông Nam gửi câu hỏi tới Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phải thay người làm khó doanh nghiệp

Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt ở 160 quốc gia, đã tuân thủ quy chuẩn chung, kể cả tiêu chuẩn đặc biệt cao của thị trường G7. Họ đang dồn sức để tìm thêm cơ hội mới từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8 tới.

Nhưng TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lại lo ngại hàng rào trong nước có xu hướng bị dựng lại.

“Có lẽ các Bộ trưởng phải thay đổi một số vị trí công việc trong các cục, vụ, viện, để thay đổi tư duy, não trạng của công chức. Không thể để tình trạng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, bãi bỏ các quy định làm khó doanh nghiệp, thực tế lại trái ngược”, ông Cung bức xúc.

Trở lại câu chuyện của doanh nghiệp thủy sản, sau 20 năm bán theo dạng thô đóng ký 5 kg, 20 kg..., giờ đây, họ đã đạt được mục tiêu là hàng từ Việt Nam được đặt ngay lên kệ hàng ở Cosco, Walmart… toàn cầu.

Có điều này, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, chuẩn hóa quy trình sản xuất, gây dựng uy tín với khách hàng.

“Các đề xuất mới cần đánh giá tác động đầy đủ tới doanh nghiệp, bên cạnh yêu cầu quản lý nhà nước”, ông Nam lo ngại.

Các quy định trên có ý tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp tìm thêm đơn hàng mới.

Khó khăn đổ dồn lên doanh nghiệp khi Covid-19 đang làm thế chủ động của doanh nghiệp Việt với EVFTA giảm đi rất nhiều.

 Khánh An