S&P chính thức nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB+

11:02 27/05/2022

Việt Nam là một trong hai nước ở châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức xếp hạng S&P nâng bậc tín nhiệm từ đầu năm đến nay, với việc liên tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia những năm qua, đây là một lợi thế lớn của Việt Nam khi hấp hẫn các dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Standard & Poor’s (S&P) – 1 trong 3 cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới
Standard & Poor’s (S&P) – 1 trong 3 cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngày 26/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã chính thức nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định" trong bối cảnh đại dịch đã cơ bản được khống chế với tỷ lệ tiêm chủng cao, nền kinh tế trên đà phục hồi nhanh và chính phủ đã có các chính sách kịp thời và hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế cũng như mở cửa, đón luồng khách du lịch quay lại Việt Nam. Bên cạnh triển vọng kinh tế, vị thế đối ngoại tốt và sức thu hút dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch cũng là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng cho Việt Nam.

Trước đó, phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” (Đề án). Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.

Đề án cũng đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.

S&P đánh giá cao tác động kịp thời của Chính phủ khi đã có những biện pháp về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo trả đúng hạn các khoản nợ được bảo lãnh, phối hợp với các gói kích thích kinh tế kịp thời giúp nền kinh tế đảm bảo kế hoạch GDP được đề ra, giữ vững sự ổn định trong lĩnh vực tài khóa dù ngân sách chịu áp lực trong thời kì đại dịch. S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cũng đánh giá thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh chóng vài năm gần đây với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn mức trung bình các quốc gia có thu nhập tương đồng.

Với triển vọng tín nhiệm "Ổn định", S&P dự báo trong 12-24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn trong giai đoạn 2020-2022, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng tín nhiệm vẫn có thể hạ xếp hạng Việt Nam nếu điều kiện kinh tế xấu đi nhanh chóng hoặc có căng thẳng đáng kể trong hệ thống ngân hàng làm suy yếu nghiêm trọng vị thế tài khóa của chính phủ, đẩy các khoản trả lãi vay vượt 10% tổng thu nhập của chính phủ.

Với thế mạnh xuất khẩu, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ các thị trường thế giới, trong đó việc Trung Quốc phong tỏa do đại dịch nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Lạm phát gia tăng cùng với rủi ro địa chính trị như Nga-Ukraine có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, S&P lưu ý một số điểm yếu còn tồn tại trong khu vực ngân hàng và tài chính, cũng như các chính sách cứng nhắc xung quanh giải ngân đầu tư công, để nền kinh tế phát triển mạnh hơn nữa, Việt Nam sẽ cần khắc phục vấn đề này.

Nguyễn Dũng