Quy hoạch Điện VIII: Phát thải ngành điện chỉ còn khoảng 40 triệu tấn/năm

23:09 18/08/2022

Theo kịch bản Quy hoạch điện VIII, nhờ việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện nên lượng phát thải CO2 của phương án phát triển điện lực rà soát sau COP26 đã giảm mạnh.

Thông tin về kịch bản chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh tại Hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh”, ngày 17/8, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trước COP26, các nguồn nhiệt điện trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2045 vẫn chiếm tỉ lệ khá cao, từ 36% - 41% công suất và từ 56% - 66% sản lượng điện.

Nhiệt điện cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng phát thải khí CO2 ở mức cao. Tuy nhiên, với cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 về việc Việt Nam sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050, Quy hoạch điện VIII đã hiệu chỉnh lại toàn bộ phương án phát triển điện lực thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045. 

Phát thải ngành điện chỉ còn khoảng 40 triệu tấn/năm
Theo quy hoạch điện VIII, phát thải ngành điện chỉ còn khoảng 40 triệu tấn/năm.

So sánh kết quả quy hoạch nguồn điện của phương án trình tháng 4/2022 với phương án trình trước COP26, ông Dũng chỉ ra, đến năm 2045, công suất nguồn điện than đã giảm khoảng 23.400 MW, công suất nguồn điện sử dụng khí tự nhiên giảm khoảng 24.350 MW.

Trong khi đó, điện mặt trời tăng 33.000MW, điện gió trên bờ tăng khoảng 23.000MW và điện gió ngoài khơi tăng 28.500 MW. Các nguồn điện năng lượng điện tái tạo khác cũng tăng đáng kể.

Theo kịch bản Quy hoạch điện VIII, nhờ việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện nên lượng phát thải CO2 của phương án phát triển điện lực rà soát sau COP26 đã giảm mạnh. Phát thải CO2 sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2031 - 2035 ở mức 231 triệu tấn, sau đó giảm dần.

Đến năm 2045 lượng phát thải CO2 giảm xuống khoảng 175 triệu tấn, tức là giảm khoảng 208 triệu tấn CO2 so với phương án trước COP26. Đến năm 2050, ước tính phát thải CO2 từ lĩnh vực sản xuất điện còn khoảng 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng ”0” vào năm 2050.

P.V