Quản lý ngành phân phối: 30% gian hàng là cần thiết, nhưng tránh “đẻ” thêm giấy phép con

00:00 12/10/2020

Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý ngành phân phối mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến khiến DN và các chuyên gia kinh tế lo ngại trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh.

                           Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart TP. HCM. Ảnh - Quang Định.

Chi tiết Dự thảo lộ ra nhiều bất cập khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại sẽ phát sinh thêm hàng loạt giấy phép con. Cụ thể, những bất cập đã được chỉ ra như: Tiêu chuẩn siêu thị có 13 điểm, trong đó bao gồm bắt buộc diện tích phải từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2. Quy định siêu thị phải mở cửa suốt tuần và đến 22 giờ hằng ngày, chỉ được bán hàng giảm giá 3 lần trong một năm. Riêng tiêu chuẩn đối với Trung tâm thương mại (TTTM) là từ 10.000 m2 trở lên...v..v..

Tuy nhiên, trong một loạt bất cập đó, vẫn có một quy định khá hợp lý nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế đó là: Siêu thị, trung tâm thương mại phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội bày tỏ ủng hộ quy định này của Bộ Công thương. “Quy định tối thiểu 30% vẫn còn khiêm tốn, nhưng có quy định thì mới có cơ sở pháp lý để buộc các nhà bán lẻ phải chấp hành” - ông Phú nói.

Thực tế cho thấy, ở nhiều nước vẫn quy định siêu thị, TTTM phải dành bao nhiêu phần trăm gian hàng cho hàng của nước họ. Ví dụ, ở Hàn Quốc, với sức mạnh của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Hàn Quốc đã buộc nhiều Tập đoàn bán lẻ nước ngoài phải rời thị trường Hàn Quốc.

Tiêu biểu là Walmart - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, sau 8 năm hoạt động tại Hàn Quốc đã phải bán hết các cơ sở của mình cho tập đoàn bán lẻ nội địa Shinsegae của nước này với giá gần 900 triệu USD. Tương tự, Tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai thế giới là Carrefour (Pháp) cũng phải bán lại hệ thống cửa hàng ở Hàn Quốc với giá gần 2 tỷ USD.

Chính hai gã khổng lồ này đã thất bại trong việc cạnh tranh với các nhà bán lẻ nội địa vốn có khả năng xoay trở nhanh và hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của người dân Hàn Quốc.

Hoặc, một thực tế đang diễn ra trước mắt chúng ta ngay tại Việt Nam đó là, khi thâu tóm Metro, Chủ tịch Tập đoàn BJC của Thái Lan đã tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái ở 19 điểm của Metro. Vậy tại sao Việt Nam lại không quy định tương tự như thế để giữ vững chủ quyền, bảo vệ hàng Việt?

Theo đó, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng, quy định phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần phải xem xét lại trên căn cứ về tính phù hợp với các cam kết quốc tế và cân nhắc tỷ lệ phù hợp.

Con số 30% này nói ra thì dễ nhưng bắt tay làm không phải dễ, nhất là khi áp dụng với những siêu thị đã bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm hoàn toàn. Trong trường hợp này chỉ còn cách là đàm phán chứ không bắt ép họ làm theo quy định được. Lẽ ra cơ quan quản lý của Việt Nam phải làm việc với các đơn vị này ngay từ khi họ bắt đầu đầu tư, coi tỷ lệ hàng Việt chiếm bao nhiêu % trong siêu thị như một điều kiện bắt buộc đối với nhà đầu tư nếu muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Thừa nhận, kể từ khi, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO (tháng 1/2007), bắt đầu thực thi những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mạnh mẽ, trong đó có dịch vụ phân phối. Những cam kết này đã thực sự tác động đến ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ của nước ta.

Thực tế đã cho thấy, sau hơn 10 năm gia nhập thị trường WTO, thị trường bán lẻ Việt Nam đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, phong phú, đa dạng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng thời kỳ hội nhập và là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước. 

Theo thống kê của AVR, năm 2010 tổng mức bán lẻ của thị trường bán lẻ cán mốc 88 tỷ USD, năm 2015 con số này là 146 tỷ USD, năm 2016 đạt xấp xỉ 158 tỷ USD, năm 2017 sẽ thiết lập mốc tăng trưởng mới 172 tỷ USD. Theo đà này, dự báo, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020.

Do đó, với Dự thảo mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến, ít nhiều cho thấy Bộ này đang nỗ lực trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho những “đứa con” của mình phát triển trong quá trình hội nhập và phát triển.

Có điều, để kích thích doanh nghiệp muốn lớn, muốn phát triển, đồng thời  tăng lưu lượng bán lẻ trên thị trường nội địa, Bộ phải chân thành lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế góp ý để loại bỏ những bất cập trong Dự thảo, tránh việc “đẻ” thêm những giấy phép con.   

Sông Hàn