Quận 9 (TP HCM): Ai “chống lưng” cho hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp?

00:00 12/10/2020

Nhiều năm qua, trên địa bàn khu phố Long Bửu, phường Long Bình, quận 9, TP HCM tồn tại nhiều công trình “khủng” xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bị các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, khiến dư luận hết sức bức xúc.

Những công trình nhà xưởng vẫn hoạt động bình thường như không có gì

Xây dựng không phép ồ ạt

Theo phản ánh của người dân cư ngụ tại khu phố Long Bửu (phường Long Bình), từ năm 2011, bà Nguyễn Thị Nga tiến hành gom mua khu đất có diện tích hơn 19000m2 tại khu vực đường số 6 (phường Long Bình), phần lớn diện tích là đất trồng lúa, trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản… Sau đó, bà Nga đã được UBND quận 9 cấp 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) thuộc phần diện tích trên.

Tiếp đó, tới tháng 11/2015, bà Nga được UBND quận 9 cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn số 3798/GPXD-CTD, được phép xây dựng nhà thể thao – kho chứa dụng cụ, công trình có diện tích 4.125m2.

Tuy nhiên, thay vì xây dựng theo đúng giấy phép được cấp thì bà Nga lại cho các doanh nghiệp khác thuê lại mặt bằng rồi xây dựng hàng loạt các công trình nhà xưởng không phép nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có thể kể tên hàng loạt doanh nghiệp tồn tại trên khu đất này như Công ty TNHH cơ khí Tài Đức, Công ty TNHH cơ khí Đại Gia, Công ty TNHH SXTM Đúc Việt...

Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Nga các công trình này mọc lên là do các doanh nghiệp thuê đất tự ý xây dựng chứ bà Nga không xây?!

Theo báo cáo của UBND phường Long Bình, diện tích khu đất 28.562,9m2 có 21 công trình xây dựng với tổng diện tích xây dựng là 12.046,6m2. Trong đó, có 5 công trình xây dựng liền khối, đồng nhất có một phần diện tích nằm trong phạm vi GPXD có thời hạn với tổng diện tích xây dựng là 10.094,8m2, diện tích nằm trong phạm vi được cấp phép là 3.141m2, diện tích nằm ngoại phạm vi được cấp phép là 6.953,8m2.

Tiếp đến là 7 công trình cải tạo, sửa chữa trên cơ sở hiện trạng cũ không có GPXD với tổng diện tích xây dựng là 1.582,4m2 và 9 công trình xây dựng mới không có GPXD, không có hiện trạng cũ là 369,4m2.

Ngoài các công trình trên, phần diện tích đất còn lại sử dụng làm bãi chứa vật liệu xây dựng của Bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga, đường nhựa, đường đất, nhà xe, trạm biến áp…đặc biệt là tự ý làm đường khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Người dân phải gồng mình chung sống trong môi trường ô nhiễm, bụi bặm và ẩm thấp

Hàng loạt sai phạm có sự “chống lưng”?

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nơi đây, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng xe di chuyển ra vào thường xuyên, cộng với tiếng ồn từ các xưởng sản xuất, gia công đã biến nơi đây trở thành một khu vực sản xuất thu nhỏ.

Trong ngôi nhà nhỏ, thấp hơn mặt đường, một người dân buồn rầu chia sẻ, từ khi các nhà máy này đi vào sản xuất, chúng tôi cả ngày lẫn đêm bị tra tấn bởi tiếng ồn của máy móc, khói bụi đặc quánh không tài nào thở nổi, rồi mùa mưa nước ngập tràn vào nhà do họ đổ đất làm đường, làm nhà xưởng lấp luôn cả kênh rạch.

Theo ghi nhận của PV tại thời điểm đầu tháng 3/2019, Bến thủy nội địa, các nhà máy, nhà xưởng vẫn hoạt động bình thường, phương tiện vận chuyển vào ra liên tục. Nhiều ngôi nhà của các hộ dân sống kế cận bị khói bụi bám trắng xóa, nằm lọt thỏm, bị cô lập bởi các nhà xưởng bao quanh.

Người dân sinh sống tại khu vực và dư luận đặt câu hỏi rằng tại sao một loạt các công trình, nhà xưởng không phép, sai phép gây ảnh hưởng đến đời sống người dân lại dễ dàng mọc lên và tồn tại trong suốt một thời gian mà không hề bị phát hiện, xử lý? Các doanh nghiệp thuê đất của bà Nguyễn Thị Nga dựa vào đâu để xây dựng nhà xưởng không phép, sai phép… tại khu vực đất nông nghiệp… Phải chăng có ai đó “chống lưng” cho các hành vi vi phạm nói trên?

Liên quan những vấn đề trên, PV đã liên hệ gửi nội dung làm việc tới UBND quận 9, UBND phường Long Bình, tuy nhiên nhiều ngày trôi qua vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ các cơ quan này.

Được biết, bà Nguyễn Thị Nga nhân vật trong bài viết “TPHCM: Bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga được “chống lưng” để hoạt động chui?” mà Doanh nghiệp & Hội nhập đã phản ánh trước đó là vợ của ông Nguyễn Công Dẫn - Phó Chánh Văn phòng HĐND – UBND quận 9. Trước đó, năm 2017, ông Dẫn từng bị người dân tố cáo về những hành vi có dấu hiệu bao che cho sai phạm, để vợ là bà Nguyễn Thị Nga tự ý thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Doanh nghiệp và Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Nam – Tiến Việt