Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại; trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh Phạm Kiên TTXVN.Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương làm việc với 4 ngân hàng thương mại nhà nước và đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP bắt đầu thực hiện từ ngày 1/4.
Theo đó, đối tượng được vay của gói 120.000 tỷ đồng là chủ đầu tư đầu tư dự án, người mua nhà ở tại dự án. Thời hạn giải ngân của Chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2030. Thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay với chủ đầu tư là 3 năm, người mua nhà là 5 năm Đặc biệt, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm; lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 06 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng cho biết, các ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại khác khi tham gia Chương trình thì cần thực hiện theo hướng dẫn và có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước tham gia Chương trình và gửi văn bản đăng ký khai thác thông tin về chương trình cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết trong quý 1/2023, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã phối hợp hết sức chặt chẽ. Trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất vào ngày 15/3 và ngày 31/3.
Phó Thống đốc khẳng định, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế./.
Tùng- Dương