Tại sao Trung Quốc trung thành với Zero-Covid, bất chấp sự xuất hiện của Omicron?

09:47 30/11/2021

Trong khi hàng loạt quốc gia trên thế giới liên tiếp áp đặt lệnh cấm du lịch để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới, Trung Quốc vẫn tỏ ra bình tĩnh, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Bất chấp hai trường hợp dương tính được xác định tại Hồng Kông, các chuyên gia y tế công cộng Trung Quốc vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào các biện pháp kiểm soát biên giới hiện có của nước này. Phản ứng của Trung Quốc không còn gây ngạc nhiên bởi cường quốc lớn thứ hai thế giới vẫn được biết đến với các biện pháp canh chừng biên giới nghiêm ngặt nhất khi toàn bộ du khách nước ngoài đến du học sinh đều bị cấm nhập cảnh vào đại lục kể từ làn sóng vi rút lần đầu tiên. Những người được phép nhập cảnh cũng như công dân Trung Quốc trở về phải cách ly và kiểm dịch tập trung ít nhất 14 ngày, sau đó theo dõi sức khỏe lên tới 28 ngày.

Đối phó với Omicron, Trung Quốc trung thành với Zero-Covid 

Zhang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải nhận định biến thể Omicron sẽ "không có tác động lớn đến Trung Quốc vào thời điểm này". Bài đăng trên mạng xã hội của ông có viết: "Chiến lược phản ứng nhanh hiện tại của Trung Quốc có khả năng đối phó với tất cả các loại biến thể mới". Tại một hội nghị ở Quảng Châu vào cuối tuần qua, Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp kiêm cố vấn chính phủ cho biết nước này không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hành động nào cụ thể để đối phó với Omicron.

Khi phần lớn thế giới bắt đầu mở cửa trở lại và học cách sống chung với Covid, Trung Quốc vẫn "một mình một ngựa" và chiến lược "cô lập" này hiện được ca ngợi như một lợi thế duy nhất trong nước trong cuộc chiến chống lại biến thể mới. Thời báo Hoàn Cầu cho biết, trong một bài xã luận: "Các quốc gia phương Tây đã dừng toàn bộ hoạt động hàng không với khu vực Nam Phi cho thấy, ngay cả các nước lớn cũng đang lo sợ. Một lá chắn miễn dịch chỉ dựa vào vắc xin cho thấy đây là con đường rủi ro". Bên cạnh đó, bài báo chỉ ra: "Chiến lược của Trung Quốc đã nhiều lần bị phương Tây chỉ trích. Tuy nhiên, nếu biến thể Omicron đem đến một làn sóng tấn công mới thì chính Trung Quốc sẽ ngăn chặn 'cuộc xâm lược' ".

Mối quan tâm về biến thể mới ngày càng tăng, đảng cầm quyền Trung Quốc đã gắn chính sách Zero-Covid với quan điểm chính trị, coi đó là bằng chứng về sự vượt trội của hệ thống độc đảng so với nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Tuy nhiên bản thân Trung Quốc không thể phủ nhận quốc gia sẽ không thể mở cửa nếu không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn. 

Wu Zunyou, Trưởng nhóm dịch tễ học tại CDC Trung Quốc, đã nhanh chóng chia sẻ những phát hiện tại một hội nghị ở Bắc Kinh, gọi chính sách ngăn chặn Covid-19 không khoan nhượng là "vũ khí ma thuật" để kiểm soát đại dịch. Mặc dù Wu thừa nhận rằng cách làm này gây ra một số phản ứng trái chiều dư nhưng nhấn mạnh đây là điều cần thiết trong những tháng tới, ít nhất là qua mùa đông này và mùa xuân năm sau.

Tại sao Trung Quốc duy trì chiến lược không khoan nhượng với Covid

Một nhóm các nhà thống kê sinh học tại Đại học Bắc Kinh đã mô hình hóa các phản ứng khác nhau của phương Tây bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Israel, Tây Ban Nha và Pháp. Kết quả cho thấy cách làm hoàn toàn trái ngược với Zero-Covid hiện tại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng nếu áp dụng ở Trung Quốc

Trung Quốc thường bị cáo buộc không tuân theo các trật tự quốc tế. Một nhà bình luận đã công khai chỉ trích trên tờ Financial Times: "Trung Quốc tự cô lập nhưng đó cũng là mối quan tâm của toàn cầu. Chính sách Zero-Covid của Bắc Kinh đang gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh quốc tế". Nói cách khác, Trung Quốc vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế do "cố đấm ăn xôi" duy trì chính sách y tế công cộng trong lãnh thổ. 

Một nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng đã phát hiện rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với hơn 630.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày nếu từ bỏ chính sách không khoan nhượng. Trong báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) công bố trên Tạp chí China CDC Weekly, các nhà khoa học đã đánh giá kết quả nếu Trung Quốc áp dụng chiến thuật kiểm soát đại dịch tương tự như các nước như Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Israel. Theo nghiên cứu, nếu quốc gia áp dụng chiến lược đại dịch của Mỹ, số ca mắc mới hàng ngày ít nhất rơi vào khoảng 637.155 ca. Báo cáo cho biết: "Các ước tính cho thấy những đợt bùng phát lớn gần như chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng không thể chi trả đối với hệ thống y tế. 

Phát hiện đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng, vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa sẵn sàng áp dụng các chiến lược mở cửa chỉ dựa vào giả thuyết về khả năng miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng của một số nước phương Tây". Đồng thời nghiên cứu đi đến kết luận "cần nâng cao hiệu quả tiêm chủng hoặc điều trị, tốt nhất là kết hợp cả hai trước khi thực hiện các biện pháp xuất nhập cảnh".

Ngoài ra, mật độ dân số toàn quốc của Trung Quốc là 147 người / km vuông; khu vực đông dân nhất gồm Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải là 661 người/ km vuông. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại các khu vực này đạt khoảng 55,04%. Tất cả các quốc gia được đề cập đều có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và khả năng miễn dịch tự nhiên lớn hơn Trung Quốc, nhưng Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp có mật độ dân số thấp hơn và không có quốc gia được tham chiếu nào có mật độ dân số cao như ở khu vực phía đông của cường quốc lớn thứ hai thế giới. Do đó, ngay từ đầu, việc chuyển sang chiến lược mở cửa đã đặt Trung Quốc vào tình trạng tồi tệ hơn so với các nước khác. 

Điều thú vị là, trong khi các nhà phê bình phương Tây chỉ trích Trung Quốc vì bất đồng về chính sách thì Đại học Bắc Kinh đã nêu trong một tuyên bố: "Những đề xuất của chúng tôi đối với Trung Quốc có thể không nhất thiết phải áp dụng cho các nước khác". Nghiên cứu kết luận rằng dịch bệnh có thể suy giảm theo cấp số nhân (như những gì đã xảy ra với Covid-19 ở Trung Quốc năm ngoái) hoặc bùng nổ (nếu Trung Quốc mở cửa ngay bây giờ).

TL (theo CNN, SCMP)