PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Đã có nhiều địa phương vào cuộc, chung tay gỡ rối cho doanh nghiệp bất động sản

14:01 15/01/2024

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đã từng bước được tháo gỡ. Nhiều địa phương vào cuộc, chung tay gỡ rối cho doanh nghiệp bất động sản.

Ảnh minh họa
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

Bất động sản đóng vai trò lớn trong nền kinh tế

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, bất động sản là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản gồm có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới lĩnh vực bất động sản. Có hệ số lan tỏa từ 0,5-1,7 lần trong nền kinh tế. Riêng 4 ngành lớn có liên quan nhiều là xây  dựng (chiếm 6.2% GDP), du lịch (chiếm 1.02% GDP), lưu trú (chiếm  2.27% GDP), tài chính – ngân hàng  (Chiếm 4.76%) năm 2022. Chỉ với 4 ngành này đã có tác động đến 14,25% GDP. Là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp  thứ 9 về quy mô giá trị năm 2022. Ngành bất động sản đóng góp trực tiếp vào GDP của nền kinh tế 3,46% GDP vào  năm 2022, giảm 0,12 điểm % so với năm 2021.

Ông Thịnh cho biết, về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bất động sản xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm  khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết năm 2022; vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 66,2 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn FDI đăng ký. Đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, ngành kinh doanh bất  động sản đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn ngoại với tổng vốn đầu tư gần  4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Theo ông Thịnh, thời gian qua đã có nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường đã từng bước được tháo gỡ. Các địa phương tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản. Cơ bản đã tháo gỡ được vướng mắc cho hầu hết các dự án gặp khó khăn nhưng “còn khả năng” tái khởi động trở lại. Thu hồi những dự án vi phạm quy định pháp luật, chậm triển khai, nhiều năm nay các chủ đầu tư không thể thực hiện.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.


Nguồn vốn dành cho doanh nghiệp bất động sản

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để thực hiện đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thường có các nguồn vốn thường được sử dụng như sau:

Thứ nhất, vốn tự có, vốn góp của các chủ đầu tư, các cổ đông của các công ty đầu tư.
Thứ hai, nguồn vốn huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, từ các nền tảng công nghệ..) để đầu tư xây dựng các dự án.

Thứ ba, nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh; cho thuê tài chính từ các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính và các quỹ đầu tư trong nước để thực hiện dự án.

Thứ tư, nguồn vốn huy động từ các đối tác của các chủ đầu tư (trả chậm, tín dụng thương mại, từ người mua bán bất động sản trong tương lai của chủ đầu tư…)

Thứ năm, nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành TP, bán cổ phần, đầu tư trực tiếp nước  ngoài…)

Thứ sáu, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (vốn mồi, ưu đãi, miễn/giảm thuế; chương trình phục hồi kinh tế, nhà ở xã hội…)

Ngoài ra, trong những năm gần đây nguồn vốn phát triển thị trường bất động sản chủ yếu là nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong những năm qua, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là một nguồn vốn đang ngày càng trở nên quan trọng để phát triển thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ngay trong năm 2022 tỷ trọng nguồn vốn phát  hành trái phiếu doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể trong cơ cấu nguồn vốn phát triển bất động sản.

Tác động của một số chính sách của Chính phủ tới nguồn vốn thị trường bất động sản

Theo đó, Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành thời gian qua đã làm việc một cách rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm khôi phục trở lại thị trường bất động sản. Gần 20 động thái được phát đi từ phía Chính phủ một cách liên tục và dồn dập, đã góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia.

Trong số đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 được cho là tín hiệu cao nhất, mang tính định hướng và chỉ dẫn. Càng ngày, các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ càng sát hơn so với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp. Chứng tỏ sự quan sát và lắng nghe một cách sát sao từng động thái của thị trường.

Chương trình phục hồi 2022-2023: Cho cá nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…và Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm…: Đặc biệt là gói Phát triển kết cấu hạ tầng 170.000 tỷ đồng đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

Cụ thể, tháng 11-2022, Chính phủ đã thành lập tổ công tác do bộ trưởng Bộ Xây dựng làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án bất động sản trên cả nước.

Kiểm soát rủi ro phát hành TPDN riêng lẻ: Nghị định 08 (5-3-2023) sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP; rà soát Luật chứng khoán 2019 và Luật DN 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đề án 338 ngày 3-4-2023 về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.

Đề án này là cơ sở pháp lý vững chắc để doanh nghiệp và địa phương phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất rẻ hơn lãi suất thị trường 1,5%-2% từ nay đến 2030 để xây dựng nhà ở xã hội, khu tập thể công nhân…

Nghị định số 10 ngày 3-4-2023 hướng dẫn Luật đất đai, bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Nhân Hà