Nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo: "Thương trường là nơi dành cho những người can đảm"

10:18 19/03/2021

Nhắc đến tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hẳn không ai là không biết. Bà Thảo là nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, mới đây tiếp tục được Forbes vinh danh là một trong 25 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á.

(Ảnh: Internet)

Tài kinh doanh thiên bẩm

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc. Năm 17 tuổi bà đã may mắn có được cơ hội đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính. Nhìn lại thời xách vali đi du học năm 17 tuổi, tỉ phú Phương Thảo chia sẻ, bà từng ước mình sẽ là một cô giáo như mẹ. Ước rằng sau khi tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định ở giảng đường, mua được căn chung cư và chiếc xe máy "cá vàng"… là đủ.

Khi còn là sinh viên bà Thảo đã luôn nổi tiếng trong cộng đồng du học sinh bởi thành tích học tập xuất sắc của mình. Ngoài thành tích xuất sắc về học tập, bà còn bộc lộ tài năng kinh doanh thiên bẩm khi mới ở năm thứ 2 đại học tức là lúc 18 tuổi, bà đã bước vào thương trường.

Theo bà Thảo, thời đó, 8h sáng đi học, chiều về bà bắt đầu làm các công việc kinh doanh khác nhau. Hôm nào cũng 12h đêm mới về để ngồi thống kê sổ sách. Tận 2h sáng chị em cùng phòng mới lọ mọ nấu cơm, ăn tối. Ngủ chưa tròn giấc, 5h sáng lại gọi nhau dậy sắp xếp một số việc kinh doanh trước khi đi học. 

Bà kể, khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử đến hàng nông sản từ các nước châu Á như sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…Theo Hãng tin Bloomberg, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi, nhờ bán máy fax và nhựa cao su.

Trong giới doanh nhân thành đạt trở về từ Đông Âu, bà Thảo là nữ doanh nhân bước vào thương trường và thành công sớm. Sau khi hoàn tất việc học của mình, bà đã quay trở về Việt Nam và góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank, sau đó là VIB – đây là 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Gần 25 năm sau bà nổi tiếng khi trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Dù làm việc lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng nhưng phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở Vietjet và Dragon City (Phú Long) – dự án bất động sản rộng 65 héc-ta ở TP. Hồ Chí Minh.

Tới năm 2008, bà đầu tư vào HDBank và trở thành Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị. Cùng với chủ tịch ngân hàng Lê Thị Băng Tâm, bà Thảo vẫn luôn là linh hồn của chiến lược đổi mới, tăng tốc toàn diện ở nhà băng này.

Nhắc tới bà Thảo làm ngân hàng, giới trong ngành thường nói tới hai thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám, đó là vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua công ty tài chính SGVF từ ngân hàng Société Générale (Pháp) rồi liên doanh với đối tác Nhật thành công ty tài chính HD Saison ngày nay. Với sức mạnh hội nhập từ DaiABank và HD Saison, HDBank đã lọt vào top 8 ngân hàng lớn và mạnh nhất tại Việt Nam, theo đánh giá của tạp chí The Asian Banker hồi tháng 9 vừa qua. Trong chặng đường phát triển từ 2011-2019, ngân hàng của bà Thảo liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, nợ xấu thấp, các chỉ số về hiệu quả hoạt động luôn ở top đầu ngành.

Vào tháng 9 năm 2013 vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo gây tiếng vang lớn khi đặt mua 100 chiếc máy bay Airbus trị giá 9,1 tỷ USD. Đến 23-05-2016, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của tập đoàn Mỹ với tổng giá trị là 11,3 tỷ USD. Tính đến ngày 07/04/2018, tổng giá trị tài sản của bà đã tăng lên 3,7 tỷ USD. 

(Ảnh: Internet)

Kinh doanh “ước mơ bay”

Bà chủ hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đã từng có một phát ngôn khiến nhiều người ấn tượng:“Bạn phải dẫn đầu và chấp nhận rủi ro một cách có tính toán”.

Bên ngoài dáng vẻ nhỏ nhắn, dịu dàng, nhu mì cùng nụ cười duyên dáng ngọt ngào, “nữ tướng” ấy luôn có tinh thần lăn xả không ngại khó khăn của người chiến binh. Dù là người phụ nữ, nhưng khi ra thương trường bà Thảo chẳng ngại đón đầu, thậm chí làm những điều chưa ai từng làm ở Việt Nam, khiến chính cánh mày râu phải ngưỡng mộ, khâm phục.

Xuất thân là một Tiến sĩ kinh tế học, lĩnh vực chính là Tài chính – Ngân hàng, nhưng chính ngành hàng không lại mang về cho bà Thảo danh hiệu nữ tỷ phú tự thân đầu tiên khu vực Đông Nam Á. Đến với ngành hàng không chỉ từ ước mơ giúp tất cả mọi người “ai cũng có thể được bay”, nhưng nữ doanh nhân ấy đã làm nên lịch sử với thị trường ngành hàng không nước nhà.

Đề án ban đầu về một Vietjet Air là hãng hàng không 5 sao, sang trọng và thượng lưu. Nhưng sau một lần đến thăm gia đình có công với cách mạng ở vùng cao vào dịp Tết, một bà mẹ đã hỏi:

“Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành. Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay.”

Câu nói vô tình nhưng để lại rất nhiều dư âm trong suy nghĩ của những người kiến thiết đề án lúc bấy giờ. Vậy là bà Thảo đã quyết định chuyển sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ, tiếp cận được càng nhiều ước mơ bay của những người dân có mức thu nhập thấp và trung bình hơn. Vô hình chung, động thái này lại kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ.

Để có thể khởi nghiệp, điều hành kinh doanh một hãng hàng không phát triển thành công là điều không hề đơn giản. Nhưng bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên điều kỳ diệu mà không phải ai cũng dám thử sức mình. Kết quả nhận lại cho sự liều lĩnh, lăn xả, dám làm dám chấp nhận ấy là sự thành công như ngày hôm nay của Vietjet Air. Chia sẻ về chiến lược phát triển Vietjet bà Thảo cho biết: “Tôi chưa bao giờ tính toán cụ thể xem mình có bao nhiêu tiền. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty phát triển tốt, thu nhập của nhân viên tăng lên và Vietjet Air có thêm thị phần, vươn lên vị trí số một”.

Forbes đã đánh giá rằng, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử ngành hàng không thế giới. Bà là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất khởi nghiệp, điều hành một hãng hàng không thương mại lớn. 

(Ảnh: Internet)

Người làm đổi mới ngành hàng không Việt Nam

Trong suốt 120 năm lịch sử của ngành hàng không, nữ phi công đã hiếm, nữ CEO của một hãng hàng không lại càng hiếm hoi hơn. Ngay tại Việt Nam, một CEO thành công đã khó, nữ CEO thành công trong nhiều lĩnh vực cùng một lúc càng là điều khó để thấy được. Và cái tên Nguyễn Thị Phương Thảo lại nằm trong số “hiếm có khó tìm” đó, thâm chí cư dân mạng còn thường gọi bà là Thảo Vietjet – như một thương hiệu của riêng bà.

Với chiến lược kinh doanh khôn khéo, thông minh bà Thảo đã đưa Vietjet Air từ một hãng hàng không nhỏ chỉ bay vài chặng nội địa khi mới ra mắt dần trở thành một thương hiệu lớn. Tháng 10 năm 2019 hãng đã thực hiện được gần 400 chuyến bay mỗi ngày, vận chuyển hơn 90 triệu lượt hành khách với 129 đường bay từ Việt Nam đến quốc tế. Hiện nay, hãng đã khai thác những đường bay quốc tế đến các quốc gia như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Campuchia,…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người biết nắm bắt lợi thế từ sự bùng nổ thị trường du lịch hàng không trong khu vực để xây dựng kế hoạch phát triển, đưa Vietjet Air ra toàn cầu. Tập trung nhiều vào đối tượng hành khách tầm trung, giảm chi phí di chuyển bằng máy bay so với các hãng hàng không khác , khiến nhiều khách hàng có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ của Vietjet.

Trên thương trường mọi người đều bình đẳng, chẳng có một lợi thế nào về giới dành cho những người phụ nữ khi kinh doanh cả. Trong vai trò là một nữ doanh nhân, là một người đã và đang thành công trong sự nghiệp bà Thảo hiểu rõ hơn ai hết về điều này. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online rằng: “Thương trường là nơi dành cho những người can đảm, trên thương trường, không có chỗ cho sự yếu đuối. Đã làm kinh doanh phải chấp nhận sự sòng phẳng. Các đối thủ cạnh tranh không bao giờ buông tha cho bạn vì bạn là phụ nữ”.

Theo bà Thảo một chúng ta làm kinh doanh, dù là bất cứ việc gì cũng cần phải cống hiến bằng 100% năng lực của chính, đừng bao giờ trông mong vào lợi thế. Khác với đàn ông làm kinh doanh, việc phụ nữ làm kinh doanh sẽ có quỹ thời gian nhiều hơn phái nam vì họ không cần phải đi ngoại giao quá nhiều. Tuy nhiên, sự bất lợi của người phụ nữ khi làm kinh doanh là họ phải lo cho cả sự nghiệp lẫn gia đình, con cái của họ.

TH