Nữ doanh nhân Trần Lệ Hoa: Từ hậu duệ nhà Thanh đến nữ vương bất động sản Trung Quốc

14:35 11/05/2021

Giữ vị trí chủ tịch của Tập đoàn Phú Hoa - một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Bắc Kinh, nữ tỷ phú tự thân Trần Lệ Hoa không còn là cái tên xa lạ với người Trung Quốc. Thế nhưng, ít ai biết rằng, Trần Lệ Hoa đã trải qua một cuộc đời truân chuyên để đứng trên đỉnh cao của tiền tài và danh vọng hôm nay.

Trần Lệ Hoa là nữ đại gia đã đi lên từ 2 bàn tay trắng. Nguồn ảnh: Internet
Trần Lệ Hoa là nữ đại gia đã đi lên từ 2 bàn tay trắng. Nguồn ảnh: Internet.

Bà Trần Lệ Hoa, sinh năm 1941, trong một gia đình danh giá thuộc hậu duệ của triều đại Mãn Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào những năm 40 của thế kỷ 20. Được sinh ra trong Cung điện Mùa Hè (Di Hoà Viên) uy nghiêm và tráng lệ, nhưng tuổi thơ Trần Lệ Hoa lại chẳng mấy êm đềm. Sinh ra đúng thời loạn lạc, Trần Lệ Hoa đã tận mắt chứng kiến triều đại nhà Thanh của người Mãn Châu sụp đổ sau 3 thế kỷ cầm quyền. Từ một tiểu thư danh gia vọng tộc, gia đình Trần Lệ Hoa bị đẩy đến đáy khi mất đi cả gia thế lẫn tiền tài.

Những năm đầu đời của Trần Lệ Hoa bắt đầu bằng cuộc sống không nơi nương tựa, khó khăn và vất vả. Sau này, khi CNN thực hiện cuộc phỏng vấn với Trần Lệ Hoa, bà không nhắc nhiều về tuổi thơ của mình, bà chỉ nói đó là khoảng thời gian không hạnh phúc. Được biết, đến năm 15 - 16 tuổi, Trần Lệ Hoa không thể tiếp tục đi học mà phải đi làm công nhân trong xưởng gỗ để phụ giúp gia đình qua cơn đói khát.

Cuộc sống thời niên thiếu của Trần Lệ Hoa không phải là con đường màu hồng. Ngày ngày bà phải thức khuya dậy sớm, làm công ăn lương với hy vọng sẽ sống qua ngày chứ chẳng mong có được thành tựu gì. Sau một thời gian, Trần Lệ Hoa học được nhiều kinh nghiệm ở xưởng gỗ, lúc này bà đành đánh liều một phen, tự mở cửa hàng buôn bán đồ gỗ của riêng mình với mong muốn thay đổi cuộc sống. Ở tuổi 20, Trần Lệ Hoa đã có thể tự tạo sự nghiệp từ hai bàn tay trắng mà không cần dựa dẫm vào ai.

Những năm 1980, nhờ thông tin từ các bạn hàng thương gia, bà Trần Lệ Hoa biết được thị trường đồ gỗ ở Hong Kong (khi đó vẫn là thuộc địa của Anh) đang phát triển khá tốt. Bà đã quyết định một thân một mình đến Hong Kong để mở rộng sự nghiệp. Ngay khi vừa đặt chân đến xứ sở Cảng Thơm, Trần Lệ Hoa đã mở một nhà máy chuyên sản xuất đồ nội thất và dần có chỗ đứng vững chắc trong thị trường này. Mọi nỗ lực và cố gắng của sau 2 thập kỷ cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng, sự nghiệp kinh doanh của Trần Lệ Hoa ngày càng thịnh vượng. Đến cuối những năm 80 đầu năm 90, Trần Lệ Hoa đã mua được 12 căn biệt thự và khiến giới thương gia vô cùng ngưỡng mộ.

Nhiều chuyên gia phân tích, sự nhạy bén của bà Trần Lệ Hoa trong việc kinh doanh không thể đùa được. Khi việc kinh doanh đồ nội thất ở Hong Kong đang lên như diều gặp gió thì bà Trần Lệ Hoa bất ngờ phát hiện thị trường bất động sản ở Trung Quốc đang có tiềm năng. Bà bèn bán hết tài sản ở Hong Kong và quay về Bắc Kinh để mở ra một con đường mới. Năm 1998, Trần Lệ Hoa một tay thành lập Tập đoàn Quốc tế Phú Hoa với nhiều mô hình kinh doanh ở đủ mọi ngành nghề. Từ những công trình lớn nhỏ ở Bắc Kinh cũng như những công trình mang tầm quốc tế đều do một tay Trần Lệ Hoa gầy dựng. Theo định giá của Forbes năm 2018, nhờ những thành công này mà bà từ một công nhân làm xưởng gỗ đã trở thành một trong 3 tỷ phú bất động sản giàu nhất Trung Quốc với tài sản lên tới 5,8 tỷ USD, một con số khiến ai cũng phải ghen tị và ngưỡng mộ. 

Bà Trần Lệ Hoa không ngần ngại đầu tư hơn 200 triệu nhân dân tệ (gần 700 tỷ đồng) để xây dựng Bảo tàng gỗ đàn hương đỏ Trung Quốc - đây là nơi giữ gìn và bảo tồn đồ gỗ lớn nhất Trung Quốc, là nơi trưng bày các đồ nội thất cũng như tác phẩm nghệ thuật làm từ gỗ đàn hương. Nguồn ảnh: Internet
Bà Trần Lệ Hoa không ngần ngại đầu tư hơn 200 triệu Nhân dân tệ (gần 700 tỷ đồng) để xây dựng Bảo tàng gỗ đàn hương đỏ Trung Quốc - đây là nơi giữ gìn và bảo tồn đồ gỗ lớn nhất Trung Quốc, là nơi trưng bày các đồ nội thất cũng như tác phẩm nghệ thuật làm từ gỗ đàn hương. Nguồn ảnh: Internet.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực bất động sản, Trần Lệ Hoa còn đạt được nhiều thành tựu trong việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống Trung Quốc. Vốn là công nhân từ xưởng gỗ, bà Trần Lệ Hoa cho biết, những đồ gỗ luôn khiến bà có cảm giác thân thuộc và gắn bó. Nên khi vừa thành lập Tập đoàn Phú Hoa, bà Trần Lệ Hoa không ngần ngại đầu tư hơn 200 triệu Nhân dân tệ (gần 700 tỷ đồng) để xây dựng Bảo tàng gỗ đàn hương đỏ Trung Quốc - đây là nơi giữ gìn và bảo tồn đồ gỗ lớn nhất Trung Quốc, là nơi trưng bày các đồ nội thất cũng như tác phẩm nghệ thuật làm từ gỗ đàn hương.

Viện bảo tàng được xây dựng trên diện tích 25.000 m2 với khu vực trưng bày rộng hơn 9500 m2. Những công trình kiến trúc cổ được mô phỏng dưới dạng vật liệu gỗ đàn hương như một góc của Tử Cấm Thành, tháp Feiyun, chùa Long Tuyền... Không những thế, trong bảo tàng còn trưng bày những đồ cổ quý hiếm, những món đồ từ thời nhà Minh, nhà Thanh do chính bà Trần Lệ Hoa sưu tầm trong nhiều năm qua.

Nữ tỷ phú nhấn mạnh rằng, dù chưa bao giờ trông đợi bảo tàng mang lại lợi nhuận cho mình, nhưng bà không bao giờ nghi ngờ về giá trị lịch sử và văn hóa khổng lồ của nó. “Mỗi bộ sưu tập trong bảo tàng đều là kho báu và chúng ta không thể từ bỏ kho báu của đất nước mình. Kế thừa và mang văn hóa truyền thống Trung Quốc ra thế giới là trách nhiệm của các thế hệ. Bổn phận của thế hệ này là phải lưu giữ những di sản truyển thống để thế hệ sau hiểu được rằng văn hóa Trung Quốc nổi bật như thế nào”, bà nói. 

TH