Nỗi lo thiếu công nhân mỗi đợt Tết đến xuân về càng trầm trọng khi Omicron hoành hành

23:03 24/01/2022

Covid-19 ập đến kéo theo hạn chế du lịch và tình trạng thiếu lao động ảnh hưởng mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng công nghệ. Trong bối cảnh này, Trung Quốc và Việt Nam kêu gọi hàng triệu công nhân không về quê ăn Tết do lo ngại di cư nội địa ồ ạt sẽ làm bùng dịch.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tết Nguyên đán là thời điểm di cư thường niên lớn nhất tại Trung Quốc với hơn một tỷ chuyến đi được ghi nhận/năm. Ở Việt Nam, dân số ít hơn, quy mô di chuyển nhỏ hơn nhưng cũng gây ra không ít xáo trộn. Năm ngoái, hàng nghìn công nhân về quê đã không thể quay lại làm việc do dịch bệnh.

Sự xuất hiện của Omicron cùng với các biến thể khác có khả năng truyền nhiễm cao khiến các chính phủ và doanh nghiệp vận động người lao động ở lại. Trung Quốc đã áp dụng biện pháp nghiêm ngặt, yêu cầu cách ly 14 ngày trong đó tự cách ly 7 ngày và thực hiện nhiều xét nghiệm PCR. Bắc Kinh là địa điểm chuẩn bị đăng quang Thế vận hội Mùa đông đã cấm du khách từ các tỉnh khác ra vào khu vực thủ đô.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa “mạnh tay” như nước láng giềng nhưng đã thực hiện một số biện pháp nghiêm ngặt nhất liên quan đến Covid trên thế giới theo chỉ số do đại học Oxford tính toán. Nước ta đã phải nỗ lực rất nhiều để duy trì hoạt động nhà máy, vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất hồi năm ngoái. Nhờ vậy, các nhà sản xuất lớn từ Apple, Samsung Electronics cho đến Gap và Adidas vẫn có thể tiếp tục sản xuất. Nếu không có những quyết sách quyết liệt, chắc hẳn rủi ro không chỉ dừng ở gián đoạn chuỗi cung ứng mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip và linh kiện, gia tăng lạm phát, cản trở phục hồi của hai nền kinh tế.

Doanh nghiệp ở cả hai nước cho biết họ vô cùng lo lắng về tình trạng thiếu lao động sau kỳ nghỉ lễ. Nhà cung cấp linh kiện Lenovo ở thành phố Đông Quản, Trung Quốc chia sẻ: “Chúng tôi phát lì xì kèm tiền mặt cho công nhân ở lại nhà máy trong dịp lễ. Nhưng dựa trên khảo sát, chúng tôi ước tính vẫn sẽ mất 50% công nhân vào cuối tháng này. Vừa chống dịch, vừa tuyển lao động khiến chúng tôi rất đau đầu”.

Một Giám đốc điều hành công ty lắp ráp cho iPhone chỉ ra lực lượng lao động giảm sau nghỉ lễ là điều không thể tránh khỏi: “Chúng tôi có thể tuyển đủ nhân sự hay không còn phụ thuộc vào chính sách kiểm dịch và du lịch của chính quyền địa phương”. Theo người này, về mặt tích cực, các địa phương hướng dẫn xét nghiệm rất cụ thể, tuân thủ biện pháp phòng chống Covid.

Có rất nhiều dự báo khác nhau về số lượng lao động ở lại nhà máy. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, hơn 2 triệu người Việt Nam đã di cư từ thành thị về nông thôn năm 2021 vì dịch bệnh, khiến nhiều nhà máy phải “tranh giành” nhân viên ngay cả trước kỳ nghỉ.

Ở cả hai quốc gia, yếu tố chính quyết định ai đi ai ở là tiền thưởng. Ở nước ta, mức tưởng Tết thấp có thể khiến người lao động chấp nhận ở lại thành phố vì không đủ khả năng chi trả cho chi phí đi lại, quà cáp. Ví dụ, tại thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các khoản thưởng không thay đổi so với năm 2021 nhưng riêng tiền thưởng Tết Dương lịch giảm. Hien Dong, Giám đốc dự án tại WageIndicator Foundation nhận định: “Công nhân luôn là nhóm dễ bị tổn thương nhất”. Bà nhấn mạnh nhóm này có thể sẽ không trở lại sau Tết vì lo ngại Covid hoặc hạn chế di chuyển.

Mặt khác, ở Trung Quốc, nhiều người vẫn bất chấp tất cả để về quê. Năm ngoái, nhiều cơ sở sản xuất của Apple, Foxconn, Pegatron và Luxshare đã tung ra chính sách ưu đãi cho nhân viên không đi du lịch dịp Tết, giúp giảm số lượng chuyến đi giảm xuống 840 triệu lượt vào năm 2021. Thế nhưng với ước tính mới nhất 1,18 tỷ chuyến trong năm mới, cuộc di cư của người dân Trung Quốc vẫn còn nhiều rối ren.

Hà Anh